(HNM) - Hiện khắp nơi trên cả nước cũng như Thủ đô Hà Nội đang tưng bừng các hoạt động mừng Xuân Tân Sửu 2021. Tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, công tác chuẩn bị cho Hội chữ Xuân đang được tiến hành khẩn trương để ra mắt công chúng đúng hẹn, góp phần thiết thực gìn giữ nét đẹp văn hóa thư pháp, văn hóa xin chữ của người Việt Nam ngày xuân.
Nếp xưa trong Tết nay
Đã thành thông lệ, Hội chữ Xuân Tân Sửu 2021 tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục ấn định ngày trở lại ngay sau Tết ông Công, ông Táo (ngày 5-2, tức 24 tháng Chạp). Năm nay, Hội chữ Xuân có chủ đề “Đạt - Tài” thể hiện ước vọng cũng là mục tiêu tu dưỡng, rèn luyện suốt đời của người Việt Nam, trở thành người vừa có tài, vừa có đức.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Chủ đề năm nay được lấy từ tên một trong hai chiếc cửa bên cạnh “Đại Trung Môn” thuộc Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Với chủ đề này, ngoài mục đích khai thác giá trị di tích vào Hội chữ Xuân, còn là để gửi gắm, lan tỏa thông điệp hiếu học, hiếu nghĩa trong nền giáo dục xưa và nay của đất nước”.
Chuẩn bị chu đáo cho hoạt động thường niên đầy ý nghĩa này, từ nhiều ngày trước, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với Ban Liên lạc các câu lạc bộ Thư pháp Hà Nội tổ chức đợt khảo tuyển, chọn ra những "ông đồ" có đủ khả năng, trình độ thực hành nghệ thuật thư pháp phục vụ công chúng. Theo đó, đợt khảo tuyển thu hút gần 100 người viết từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Thông qua 216 tác phẩm thư pháp, trong đó có 78 tác phẩm chữ Quốc ngữ và 138 tác phẩm Hán - Nôm, Ban tổ chức đã chọn ra được 60 “ông đồ” bảo đảm các tiêu chí, yêu cầu của Hội chữ Xuân; đồng thời chọn ra các tác phẩm trưng bày xuất sắc nhất để trao giải. Đến thời điểm này, công tác cấp phát thẻ hoạt động tại Hội chữ Xuân đã được hoàn tất. Từ ngày 28-1, các gian viết chữ đã được lắp dựng, bảo đảm yêu cầu về trật tự, mỹ quan.
Có nhiều năm tham gia Hội chữ Xuân tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà thư pháp Bùi Chính Hưng, Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút chia sẻ: “Nghệ thuật thư pháp thể hiện tinh thần yêu văn hóa, thú chơi tao nhã của người Việt Nam. Mỗi bức thư pháp đều hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ, giúp người xem lĩnh hội để từ đó sống tích cực hơn”. Còn theo nhà thư pháp Nguyễn Thị Đức, Câu lạc bộ Thư họa UNESCO, Hội chữ Xuân là một nét đẹp văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam. “Tham dự sự kiện, tôi mong muốn mang đến cho người dân Hà Nội và du khách những con chữ ý nghĩa cùng ước vọng bình an, may mắn trong năm mới”, nhà thư pháp Nguyễn Thị Đức nói.
Bồi đắp, làm giàu văn hóa
Bên cạnh ý nghĩa bảo tồn nét đẹp văn hóa thư pháp, văn hóa xin chữ của người Việt Nam, Hội chữ Xuân Tân Sửu 2021 còn hướng tới mục tiêu tạo không gian vui chơi, giải trí bổ ích, lành mạnh, góp phần bồi đắp, nâng cao đời sống tinh thần, làm giàu văn hóa cho công chúng Thủ đô và du khách. Ngoài khu vực sân khấu trung tâm, nơi trình diễn thư pháp, diễn xướng nghệ thuật dân gian, Hội chữ Xuân còn tổ chức 5 không gian trưng bày, trải nghiệm, gồm: Không gian lều chõng sĩ tử đi thi; không gian giấy dó với nghệ thuật thư pháp và mỹ thuật dân gian; làng sĩ tử với hoạt động xin - cho chữ; không gian lễ và hội; không gian chợ phiên và ẩm thực truyền thống. Xuyên suốt trong những không gian này là các tiểu cảnh mô phỏng trường thi với lều chõng, tháp canh, nhà thập đạo; tái hiện khung cảnh chợ quê, ngày mùa, “vinh quy bái tổ”; không gian trải nghiệm các trò chơi dân gian, cờ tướng, cờ người...
Ông Hoàng Xuân Hòa (phố Cát Linh, quận Đống Đa) chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng tham dự Hội chữ Xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tại Hội chữ Xuân, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về không khí Tết cổ truyền cũng như những giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước”.
Tiếp nối thành công của những mùa hội trước, Hội chữ Xuân Tân Sửu 2021 dự kiến kéo dài đến hết ngày 21-2 (tức mùng 10 tháng Giêng năm Tân Sửu). Trước và trong thời gian diễn ra sự kiện, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ và đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được tăng cường tối đa, như phun thuốc diệt khuẩn toàn bộ không gian Hội chữ Xuân, cung cấp dung dịch vệ sinh tay, duy trì nhắc nhở tuân thủ thông điệp “5K” (đeo khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) của Bộ Y tế.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, sau 7 năm tổ chức, Hội chữ Xuân ngày càng khẳng định được giá trị trong lòng công chúng Thủ đô và du khách. Hội chữ Xuân năm nay tiếp tục tăng cường công tác tổ chức và quản lý sự kiện. Người tham gia viết chữ có trách nhiệm đeo thẻ suốt thời gian tham gia hoạt động; không lấn chiếm hay di chuyển vị trí đã được quy hoạch; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.