Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để mùa lễ hội 2018 an toàn, văn minh: “Quản” thôi chưa đủ...

Hoàng Lân| 09/01/2018 12:43

(HNMO) - Mùa lễ hội 2018 đang đến gần, nhưng mối lo về những tồn tại của các lễ hội vẫn là câu hỏi để các cơ quan quản lý tăng cường biện pháp khắc phục.


Hà Nội có gần 1.000 lễ hôi được tổ chức vào đầu xuân năm mới.


Lễ hội lớn sẵn sàng phương án

TP Hà Nội có gần 1.000 lễ hội lớn nhỏ, trong đó đáng chú ý nhất là những lễ hội mang tính truyền thống được duy trì hàng trăm năm nay như: Lễ hội chùa Hương, lễ hội Gióng - Đền Sóc (Sóc Sơn) và lễ hội Gióng (Phù Đổng, Gia Lâm), lễ hội Đống Đa, lễ hội Hai Bà Trưng, lễ hội Cổ Loa… Đây là những lễ hội có tiếng của Hà Nội, được người dân cả nước biết đến, có sức lan toả trong cộng đồng.

Thời điểm này, địa phương quản lý các lễ hội, Ban quản lý các di tích đã khẩn trương lên phương án chuẩn bị để hoàn thành tốt việc tổ chức, phòng trừ những tình huống xấu, những hiện tượng vốn được xem là “điểm đen” của lễ hội.

Lễ hội chùa Hương - một trong những lễ hội mang tầm quốc gia - hằng năm đón hàng vạn khách hành hương, trẩy hội. Dù mỗi năm luôn có phương án chuẩn bị, sẵn sàng phục vụ du khách nhưng năm nào Lễ hội chùa Hương cũng trong tình trạng quá tải.

Vừa qua, Ban tổ chức (BTC) Lễ hội chùa Hương đã họp triển khai các nội dung tổ chức lễ hội. Theo đó, BTC đã giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Sở Du lịch, xã Hương Sơn triển khai học tập quy chế lễ hội, nội quy của BTC và văn minh ứng xử, tôn giáo tín ngưỡng cho nhân dân xã. BTC kiên quyết không để xuồng máy, đò gắn động cơ vận chuyển khách trên dòng suối Yến. Các tổ kiểm tra liên ngành vẫn duy trì hoạt động trong 3 tháng diễn ra lễ hội. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ… được quan tâm chỉ đạo sát sao hơn mùa lễ hội 2017.

Bên cạnh đó, BTC cũng khẳng định sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ các tuyến trong khu di tích thắng cảnh, kiểm tra hệ thống biển báo giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. BTC đã chỉ đạo Ban quản lý Khu Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn, xã Hương Sơn sớm hoàn thành công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng xong các phương án tốt nhất đón du khách về trẩy hội an toàn, văn minh.

Lễ hội gò Đống Đa, một nét đẹp trong văn hóa lễ hội của Hà Nội.


Với lễ hội Gióng - Đền Sóc, công tác chuẩn bị đến nay cũng đã cơ bản hoàn thành. Là một trong những lễ hội có “điểm nóng” với tục “cướp lộc” trong nghi lễ rước hoa tre, năm nay, công tác bảo vệ lễ hội được BTC chú trọng hơn. Trao đổi với phóng viên HNMO vào sáng 9-1, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng BTC lễ hội Gióng (Đền Sóc) cho biết, vào ngày 11-1 tới, BTC sẽ họp ban chỉ đạo để triển khai công tác chuẩn bị. Ông Mạnh khẳng định, quán triệt tinh thần chuẩn bị lễ hội an toàn, văn minh, BTC sẽ cố gắng đảm bảo an ninh, trật tự, tuyên truyền, phổ biến cho người dân về nét đẹp của lễ hội, tránh bạo lực xảy ra.

Thời điểm này, BTC lễ hội gò Đống Đa (quận Đống Đa) cũng đã xây dựng xong kế hoạch tổ chức. Diễn ra vào ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm, lễ hội gò Đống Đa tưởng nhớ trận đánh oai hùng Ngọc Hồi - Đống Đa của vua Quang Trung đã trở thành lễ hội truyền thống được người dân Hà Nội gìn giữ và là “đặc sản” thu hút nhiều du khách. Theo BTC, năm nay, lễ hội vẫn đón 29 đoàn của các quận, huyện và 9 đoàn kết nghĩa của các tỉnh bạn. Lễ hội vẫn giữ nét truyền thống với hai phần lễ và hội, gồm lễ dâng hương và các chương trình biểu diễn nghệ thuật mô phỏng lại trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa. Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lễ hội, quận Đống Đa sẽ tăng cường các biện pháp phân luồng giao thông, hướng dẫn các bến bãi đỗ xe, giám sát an ninh để ngăn việc bán hàng rong diễn ra tại lễ hội.

Tăng cường biện pháp quản lý

Trong buổi tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong dịp đầu năm mới là tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Sở đã làm việc với nhiều địa phương, quán triệt tinh thần tổ chức lễ hội văn minh, an toàn. Ông Tô Văn Động khẳng định, năm nay Sở kiên quyết không ủng hộ lễ hội chọi trâu. Vì thế, những địa phương có lễ hội này như huyện Phúc Thọ nếu có xin cấp phép tổ chức, Sở cũng không đồng tình.

Lễ hội diễn ra an toàn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dự hội (Hình ảnh chen lấn cướp lộc diễn ra tại lễ hội Gióng - Đền Sóc).


Trước đó, để chuẩn bị cho mùa lễ hội 2018, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã ban hành các quyết định để chấn chỉnh lễ hội. UBND quận Long Biên ban hành kế hoạch số 228/KH-UBND về khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích văn hóa, quản lý lễ hội trên địa bàn quận. UBND quận yêu cầu rà soát các nội dung công tác quản lý, triển khai đến các phường, khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý di tích và lễ hội; tiếp tục rà soát, kiện toàn các ban quản lý di tích, các tiểu ban quản lý di tích, rà soát điều chỉnh một số tiểu ban quản lý di tích...

Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 5/11 phường tổ chức lễ hội Xuân như: Lễ hội truyền thống Di tích lịch sử đình Vòng (phường Hạ Đình), đình Giáp Nhất và chùa Quan Nhân (phường Nhân Chính), lễ hội đình Gừng (phường Khương Đình), chùa Khương Trung, hội làng Phương Liệt… Chuẩn bị cho mùa lễ hội 2018, quận Thanh Xuân cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra trước, trong và sau lễ hội tại các phường, đặc biệt là công tác quản lý giá cả hàng hoá, dịch vụ trong dịp lễ hội và xử lý những sai phạm trong công tác tổ chức lễ hội; ngăn chặn tình trạng đeo bám, chèo kéo, nâng giá, ép giá dịch vụ; chấn chỉnh việc đặt hòm công đức, đặt tiền giọt dầu tuỳ tiện…

Ngày 8-1, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 87/UBND-KGVX yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018. Theo đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ trực tiếp theo dõi diễn biến trong lễ hội trên địa bàn, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội, đặc biệt là các lễ hội lớn: Gò Đống Đa, Chùa Hương, Đền Hai Bà Trưng, Đền Sóc, Đền Cổ Loa, Đền Và, Chùa Trầm, Chùa Trăm Gian, Chùa Thầy, Thăng Long Tứ trấn, Phủ Tây Hồ và các lễ hội trên địa bàn thành phố.

Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện việc kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn. UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, phòng chống cháy, nổ; giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức; bảo đảm vệ sinh môi trường, có chế tài để xử phạt các hành vi xả rác thải tại các lễ hội…

Xuân Mậu Tuất đang đến gần, không khí lễ hội đã râm ran tại nhiều địa phương của Hà Nội. Để mùa lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bên cạnh những biện pháp được cơ quan quản lý tăng cường, rất cần người dự hội nâng cao ý thức. Bởi lẽ, lễ hội có diễn ra văn minh, an toàn hay không, chỉ quản lý thôi chưa đủ, mà còn cần đến sự ứng xử văn minh của cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để mùa lễ hội 2018 an toàn, văn minh: “Quản” thôi chưa đủ...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.