Văn hóa

Mùa lễ hội xuân vui tươi, an toàn

Hoàng Lân 15/02/2024 - 06:11

Hôm nay, 15-2 (tức mùng 6 tháng Giêng), hàng loạt lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội khai hội, đó là: Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh).

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các địa phương và ngành Văn hóa Thủ đô, mùa lễ hội xuân năm nay được kỳ vọng sẽ vừa giữ được nét đẹp truyền thống, vừa có nhiều đổi mới trong khâu tổ chức, hứa hẹn mang đến không khí vui tươi, an toàn cho người dân và du khách.

le-hoi.jpg
Du khách trẩy hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), ngày 12-2. Ảnh: Hoàng Quyên

Hấp dẫn lễ hội truyền thống

Một trong những lễ hội không thể bỏ qua khi đi du lịch miền Bắc đó là lễ hội chùa Hương, còn được coi là “hành trình về đất Phật”. Lễ hội chùa Hương 2024 có chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện” diễn ra từ ngày 11-2 đến hết 11-5 (từ mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng Tư năm Giáp Thìn). Mặc dù hôm nay (ngày 15-2) mới chính thức khai hội nhưng từ trước đó, Ban Quản lý Khu di tích và danh thắng Hương Sơn đã tổ chức đón tiếp du khách đi lễ, không thu phí tham quan.

Còn lễ hội Gióng đền Sóc được tổ chức để tưởng nhớ công đức của đức Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đã có công lao đánh đuổi giặc Ân. Tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi bay về trời, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hằng năm từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng với các nghi lễ truyền thống như: Lễ mộc dục, lễ rước, lễ dâng hương; lễ hóa voi và ngựa…

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết, phần hội năm nay sẽ có nhiều hoạt động phong phú như: Thi đấu thể dục thể thao; trò chơi dân gian truyền thống, trong đó trò chơi nghi lễ Kéo Mỏ tiếp tục được tái hiện trong lễ hội.

Năm nay, lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024 được tổ chức tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng Mê Linh từ ngày 15 đến 17-2 (tức mùng 6 đến hết mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Bên cạnh hoạt động rước kiệu, tế lễ theo nghi thức truyền thống, điểm mới năm nay là lễ khai mạc diễn ra vào buổi tối với chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh”. Đây là một chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping (kết hợp giữa công nghệ 3D và công nghệ làm phim để tạo nên những hiệu ứng về hình ảnh, ánh sáng, âm thanh, kích thích tất cả các giác quan của người xem), được tổ chức lần đầu tiên tại huyện Mê Linh nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị kiệt nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị...

Là một trong những lễ hội lâu đời, lễ hội đền Cổ Loa tổ chức để tưởng nhớ công đức của Vua An Dương Vương - người có công thành lập nên Nhà nước đầu tiên của nước ta. Điểm nhấn của lễ hội là phần lễ rước thần với sự tham gia của người dân các làng trong bát xã Loa Thành (Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép). Phần hội năm nay có nhiều hoạt động hấp dẫn đặc trưng gồm các hoạt động nghệ thuật, biểu diễn múa rối nước...

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Là một trong những lễ hội lớn kéo dài 3 tháng, mỗi ngày thu hút hàng vạn người đi lễ nên công tác tổ chức lễ hội chùa Hương đã được chuẩn bị từ rất sớm. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, UBND huyện Mỹ Đức đã thành lập 5 tiểu ban phục vụ lễ hội. Điểm mới của công tác tổ chức lễ hội năm nay là Ban Tổ chức giao việc điều hành vận chuyển thuyền đò phục vụ du khách cho Hợp tác xã Du lịch chùa Hương để tránh tình trạng cò mồi, chèo kéo, dẫn khách từ xa. Ngoài ra, Ban Tổ chức vận hành thử nghiệm đưa xe điện vào phục vụ du khách với giá niêm yết công khai. “Ngày khai hội chùa Hương, lượng khách đi lễ rất đông, chúng tôi đã có các phương án phân luồng, hướng dẫn các khu vực gửi xe, phân bổ đò để bảo đảm phục vụ khách tốt nhất”, ông Đặng Văn Cảnh nói.

Trong khi đó, với sự đổi mới mang tính đột phá của lễ hội đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh đã sớm chỉ đạo các đơn vị, phòng ban liên quan chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống cũng như tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân địa phương và du khách. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương thông tin, huyện xây dựng chương trình nghệ thuật với kỳ vọng tạo sản phẩm văn hóa mới nhằm phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích để hấp dẫn du khách đến với lễ hội đông hơn nữa.

Còn đối với lễ hội Gióng đền Sóc, với nỗ lực tổ chức lễ hội văn minh, từ vài năm trở lại đây, những hình ảnh cướp lộc phản cảm đã không còn. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho hay, hoạt động rước lễ, tất lộc đã được tổ chức lại để bảo đảm lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh và an toàn.

Trước ngày diễn ra các lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương của thành phố. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh trong suốt thời gian diễn ra, các địa phương cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm túc bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mùa lễ hội xuân vui tươi, an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.