(HNM) - Hôm nay, 12-2 (mùng 5 tháng Giêng Xuân Bính Thân), lễ hội kỷ niệm 227 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2016) diễn ra tại Công viên văn hóa Đống Đa (quận Đống Đa).
Màn trình diễn nghệ thuật tái hiện Chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Viết Thành |
1. Cách đây 227 năm (năm 1789), nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã hành binh thần tốc ra Bắc, đánh đuổi giặc Thanh xâm lược. Sau Chiến thắng Ngọc Hồi (Thanh Trì), trưa 30-1-1789 (mùng 5 tết Kỷ Dậu), đại quân Tây Sơn thực hiện trận chiến "rồng lửa" trên đất Đống Đa, giải phóng kinh thành Thăng Long. Kể từ đó đến nay, hằng năm người Việt tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa để tưởng nhớ công lao của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân Tây Sơn.
Trong khuôn khổ lễ hội gò Đống Đa Xuân Bính Thân 2016, các nghi lễ do nhân dân thực hiện vẫn được duy trì hàng trăm năm qua. Bắt đầu từ 6h, chức sắc, bô lão đến từ Bình Định, Thái Nguyên, Quảng Ninh cùng với các đội tế của nhân dân trong vùng sẽ tề tựu đông đủ, thực hành tế lễ tại Chùa Bộc và chùa Đồng Quang trước bài vị vua Quang Trung, trước vong hồn các binh sĩ tử trận trong trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa. Nhân dân sẽ được chứng kiến các đám rước mừng chiến thắng từ đình làng Khương Thượng đến Công viên văn hóa Đống Đa, trong đó có đám rước "rồng lửa". Sau lễ rước là lễ dâng hương tưởng nhớ vua Quang Trung tại Công viên văn hóa Đống Đa. Chương trình nghệ thuật sử thi do diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện, diễn ra sau phần nghi lễ, sẽ tái hiện sinh động tinh thần, khí phách của nghĩa quân Tây Sơn, câu chuyện tình đẹp giữa Quang Trung với công chúa Lê Ngọc Hân; khái quát quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội, của quận Đống Đa trong những năm qua. "Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm 1789 là một trong những chiến công vĩ đại, hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đi vào lịch sử như một thiên tài quân sự, một anh hùng dân tộc nên việc dùng ngôn ngữ nghệ thuật để tái hiện lịch sử thật không dễ dàng. Tuy nhiên, với mong muốn góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, các nghệ sĩ đã luyện tập kỹ càng để chuyển tải cho được câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc", ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam khẳng định.
2. BTC lễ hội gò Đống Đa Xuân Bính Thân 2016 đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng nếp sống văn minh lễ hội. Vì mục tiêu này, hầu hết các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn quận Đống Đa đều tham gia vào công tác tổ chức lễ hội.
Trước tết Nguyên đán Bính Thân, Phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa đã liên tục tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của lễ hội gò Đống Đa, hướng dẫn nhân dân tham gia lễ hội đặt tiền giọt dầu, tiền công đức đúng nơi quy định; không bán hàng rong, không tổ chức trông xe tự phát xung quanh khu vực lễ hội. Trung tâm Văn hóa quận thực hiện việc trang trí phục vụ lễ hội trên trục đường Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Tiến Đông và bên trong Công viên văn hóa Đống Đa. UBND phường Quang Trung có nhiệm vụ bảo đảm trật tự giao thông, giữ gìn an ninh trật tự, giải tỏa việc kinh doanh, buôn bán, để xe trên vỉa hè xung quanh khu vực lễ hội…
Trong ngày lễ hội diễn ra, người dân và du khách có thể gửi xe máy miễn phí tại Trường Tiểu học và THCS Quang Trung. Xe ô tô gửi tại điểm trông xe miễn phí ở phía sau chợ Thái Hà. Công an quận, Đội thanh tra GTVT, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 sẽ tổ chức phân luồng, chống ùn tắc tại khu vực xung quanh gò Đống Đa. Tham dự vào lễ hội độc đáo này, du khách còn được thưởng thức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian hấp dẫn như múa tứ linh, múa quạt, múa sinh tiền, cờ người, cờ tướng... Nói về lễ hội gò Đống Đa xuân Bính Thân, bà Nguyễn Thanh Lương, Giám đốc Công viên văn hóa Đống Đa cho biết: "Từ năm 2015, tình trạng bán hàng rong, trông xe tự phát xung quanh công viên đã cơ bản được khắc phục. Năm nay, BTC lễ hội tăng cường công tác quản lý, tổ chức với hy vọng lễ hội thực sự đi vào nền nếp, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa".
Kỷ niệm 227 năm Chiến thắng Ngọc Hồi (HNM) - Ngày 11-2 (mùng 4 tháng Giêng), tại Khu di tích lịch sử Ngọc Hồi, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Hồi (Thanh Trì) đã tổ chức lễ kỷ niệm 227 năm Chiến thắng Ngọc Hồi. Diễn văn được trình bày tại lễ kỷ niệm nêu rõ: Nhằm bảo vệ cửa ngõ phía nam thành Thăng Long, quân Thanh đã xây dựng đồn Ngọc Hồi kiên cố. Với khí thế tiến công thần tốc, đêm mùng 4, rạng sáng ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, đội quân Tây Sơn ào ạt xông vào đồn địch; quân Thanh không chống cự nổi, phải bỏ chạy. Chiến thắng Ngọc Hồi có ý nghĩa quyết định trong việc giải phóng thành Thăng Long trong mùa Xuân năm 1789. Phát huy truyền thống anh hùng, những năm qua, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Hồi nói riêng, huyện Thanh Trì nói chung đã chung sức, chung lòng xây dựng quê hương phát triển toàn diện. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.