Văn hóa

Kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi

Đình Hiệp 13/02/2024 - 12:51

Sáng 13-2, huyện Thanh Trì tổ chức Lễ kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) và Lễ động thổ tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm Chiến thắng Ngọc Hồi.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự buổi lễ.

tt-2.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu dâng hương.

Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường nêu bật ý nghĩa sự kiện mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, đã lập lên kỳ tích vẻ vang, phá tan tuyến phòng thủ của quân Thanh và cùng cánh quân phía Tây Nam mở toang cửa ngõ tiến vào kinh thành Thăng Long, dẹp tan 28 vạn quân Thanh, thống nhất giang sơn, đem lại cuộc sống yên bình cho dân tộc. Nổi bật trong chiến công chung đó là trận đại phá đồn Ngọc Hồi, cứ điểm phòng ngự quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng thủ của quân xâm lược.

tt6.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu dâng hương.

Đồn Ngọc Hồi (nay là xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) quân Thanh xây dựng khoảng tháng Chạp năm Mậu Thân (1788) trên cánh đồng phía Nam, cách kinh thành Thăng Long 14km. Tại đồn Ngọc Hồi, quân địch cho đắp lũy đất cao, phía ngoài bố trí chướng ngại vật phức tạp và nguy hiểm, với chông sắt làm cạm bẫy và hệ thống địa lôi. Đồn có trên dưới 3 vạn quân tinh nhuệ (lấy từ đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị), thành phần bao gồm kỵ binh và tượng binh, quân lính được huấn luyện và trang bị tốt.

tt-4.jpg
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường trình bày diễn văn kỷ niệm.

Với khí thế tấn công thần tốc, đánh tiêu diệt nhanh bằng sức mạnh áp đảo, đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu, đội quân Tây Sơn tấn công đồn Ngọc Hồi dưới sự đốc chiến trực tiếp của Vua Quang Trung. Bộ binh, kỵ binh và tượng binh của ta ào ạt xông vào đồn địch. Thế xung trận của quân Tây Sơn mạnh như triều dâng bão cuốn. Chiến thắng Ngọc Hồi đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Thanh xâm lược, mở toang cửa ngõ phía Nam cùng các cánh quân khác… ào ạt tiến vào Thăng Long. Chiến thắng Ngọc Hồi có ý nghĩa quyết định trong việc giải phóng Thăng Long.

tt-3.jpg
Biểu diễn lân - sư - rồng tại Lễ kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi, mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).
tt-7.jpg
Biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi, mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

“Trong 235 năm qua, chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt và người dân Thủ đô văn hiến. Đó là sự kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng của đạo lý, chính nghĩa, là chiến thắng của trí tuệ dân tộc, của nghĩa quân Tây Sơn, đứng đầu là anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh.

Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần đồng hành, quyết tâm chính trị cao, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì đã chủ động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả nổi bật: Huyện đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra theo tiến độ và kế hoạch với 18/18 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, trong đó, có 9/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao 15/15 xã, về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Đến nay, có 15/15 xã đã được đoàn kiểm tra thẩm định đủ điều kiện báo cáo thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Thanh Trì là huyện đầu tiên có 2 xã: Yên Mỹ, Đại Áng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, vượt chỉ tiêu thành phố giao giai đoạn 2021-2025. Thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận, đến nay Thanh Trì đã đạt 30/34 tiêu chuẩn thành lập quận.

tt5.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu làm lễ khởi công dự án.

Ngay sau phần dâng hương đã diễn ra Lễ động thổ tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm Chiến thắng Ngọc Hồi. Với tổng mức đầu tư hơn 48,4 tỷ đồng, dự án có quy mô đầu tư xây dựng đồng bộ, tổng thể di tích, gồm: Tu bổ, tôn tạo cổng phụ, đài tưởng niệm; Nhà lục giác, nhà khách. Đồng thời cải tạo, sửa chữa, nâng cấp: Khu vực khán đài và xây mới nhà trưng bày, nhà tưởng niệm bằng đá; cổng chính, nhà bảo vệ; tôn tạo, nâng cấp sân vườn tổng thể, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khớp nối công trình mới và cũ đồng bộ theo tiêu chuẩn và một số hạng mục khác… trong khuôn viên khoảng 7.000m2.

Thời gian hoàn thành công trình dự kiến vào năm 2025.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.