(HNMO) – Với những hào quang và lợi ích mà ngôi vị hoa hậu mang lại cho các người đẹp, thì việc công chúng đòi hỏi người đội chiếc vương miện phải tài sắc vẹn toàn có là quá chăng?
Với những hào quang và lợi ích mà ngôi vị hoa hậu mang lại cho các người đẹp, thì việc công chúng đòi hỏi người đội chiếc vương miện phải tài sắc vẹn toàn có là quá chăng?
Cống chúng liệu có quyền khắt khe với ngôi vị hoa hậu của Thùy Dung và Ngọc Trinh? |
Gần đây, báo chí lại nhắc lại hoa hậu Việt Nam 2008 Trần Thị Thùy Dung và không ngớt đưa ra những lời ngợi khen về nhan sắc, sự thật thà, đơn giản đến… ngố của cô ở cái thuở cô mới tập tành là thí sinh dự thi hoa hậu. Ngày đó, Thùy Dung làm mất lòng không ít báo giới chỉ vì cô có những lời nói cộc lốc, trống không, ngúng nguẩy. Nhiều người “thương” cô biện minh rằng, đó là vì cô thật thà, hồn nhiên chứ không giả tạo như mấy cô luôn miệng “dạ”, “vâng”, khoanh tay lễ phép khi chào hỏi. Mà thật thà, hồn nhiên thì đáng được hoan nghênh chứ không đáng bị chỉ trích và công chúng không nên quay lưng lại với cô.
Điều này lại khiến cho nhiều người nghĩ tới trường hợp của Ngọc Trinh, cô gái vừa được vương miện “rơi trúng đầu” trong một cuộc thi sắc đẹp xếp vào hàng… ca nhạc tạp kỹ. Ngọc Trinh cũng khiến công chúng nổi giận vì những phát ngôn “sặc” mùi thực dụng trên mặt báo. Trinh cũng có người “thương”, biện minh giúp rằng: trả lời như vậy mới là thật thà, công chúng còn đòi hỏi gì khi một có một người đẹp thật thà như vậy. Những người “thương” cô lại ra sức đưa ra quan điểm hoa hậu mà có sự thật thà như vậy là hiếm lắm, công chúng nên cởi mở hơn với điều này.
Thùy Dung đăng quang khi chưa tốt nghiệp PTTH, dư luận phẫn nộ khi biết người đại diện cho trí tuệ, nhan sắc và tâm hồn phụ nữ Việt Nam lại có học thức ngắn. Mặc cho làn sóng lên án, chỉ trích dữ dội và đòi tước vương miện nhưng cô vẫn cố thủ giữ. May là ngày đó quy chế thi hoa hậu, người đẹp của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch chưa đủ “rộng” nên chiếc vương miện trên đầu Thùy Dung có lung lay nhưng sau đó vẫn yên vị trên đầu cô. 4 năm đã trôi qua, Thùy Dung “ôm” vương miên hoa hậu lánh mặt khỏi giới showbiz, thế nhưng thi thoảng cô lại được nhắc đến làm bằng chứng về một scandal trong quá khứ.
Những ngày gần đây, Thùy Dung lại được truyền thống nhắc tên với những lời có cánh, như thể cô là “người đẹp ngủ trong rừng” sau 4 năm “ngủ quên” nay đã đẹp hơn. Nhiều người cho rằng, bây giờ Thùy Dung xứng đáng để đại diện cho sắc đẹp, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam để dự thi thế giới. Rằng, nếu Thùy Dung vẫn bị “cấm cửa” đi thi sắc đẹp quốc tế thì đó là vì dư luận quá khắt khe, thậm chí là bảo thủ.
Thùy Dung có xứng đáng là ngừơi đại diện cho sắc đẹp Việt Nam dự thi thế giới hay không cô là người biết rõ hơn ai hết. Còn với công chúng, khi chưa nhìn thấy rõ những thay đổi của Thùy Dung, đặc biệt là trong những hoạt động vì cộng đồng, hay chưa nhìn thấy những thành tích trong học tập, công việc của cô thì việc khắt khe với Thùy Dung cũng là điều dễ hiểu. Khi hiện tại vẫn còn nhiều nhan sắc lộng lẫy “danh chính ngôn thuận” và sẵn sàng dự thi thế giới thì có lẽ Thùy Dung chưa thể được lựa chọn.
Dẫu sao, Thùy Dung vẫn còn rất may mắn bởi cô vẫn được mọi người gọi là hoa hậu. Nhờ còn danh hiệu mà cô vẫn nhận được nhiều lời mời tham dự các sự kiện văn hóa, thời trang, thương mại với mức cát-xê không nhỏ. Thùy Dung đứng trước đám đông vẫn lung linh nổi bật, âu đó cũng là một ưu ái mà công chúng dành cho cô.
Trở lại trường hợp của Ngọc Trinh. Công chúng liệu có thật sự khắt khe và có cái nhìn thiếu thiện cảm về cô như lời cô ca thán? Xin thưa nếu có sự khắt khe cũng là chuyện bình thường. Ngọc Trinh trước khi có danh hiệu mới chỉ là một người mẫu chụp hình nội y, thế nhưng cô đã có thể dễ dàng kiếm được vài nghìn đô chỉ trong một lần đi ăn tiệc. Mới chỉ biết đến chưa đầy 1 năm, nhưng người đẹp đã được sống trong một thế giới xa hoa, mỗi lần sinh nhật lại đổi một chiếc xe hơi đời mới, trên người là những bộ đồ hàng hiệu đắt tiền. Sự ưu ái của công chúng đã giúp người đẹp “ngồi mát ăn bát vàng” và dễ dàng có cuộc sống vương giả. Vậy thì việc công chúng đòi hỏi ngược lại ở một người đẹp ngoài nhan sắc cần phải có trí tuệ và ứng xử văn hóa thì có gì là quá?
Ngô Tiến Đoàn sau khi đoạt danh hiệu Mr International ngày càng quá đà trong việc chụp ảnh phản cảm |
Nếu công chúng và giới truyền thông Việt thực sự khắt khe, bảo thủ thì đâu có chuyện nhan nhản những người đẹp nổi lên được nhờ scandal, hay nhờ việc khoe cơ thể qua những bộ bikini mỏng manh. Nếu công chúng khó tính, sẵn sàng quay lưng lại với scandal thì chắc rằng “hoa hậu nam” Ngô Tiến Đoàn chẳng thể có cơ hội diễu trên truyền thông hàng loạt bộ ảnh phản cảm, dung tục nhưng vẫn vỗ ngực bảo đó là nghệ thuật và ngày càng nổi tiếng hơn.
Cứ xem cách thế giới ứng xử với những scandal của hoa hậu, sẵn sàng tước bỏ vương miện chỉ vì cô ấy từng chụp ảnh nude trong quá khứ, hay vì không tuân thủ quy định của BTC cuộc thi thì xem ra, công chúng và truyền thông của ta vẫn còn dễ dãi và “thương” người lắm.
Danh hiệu hoa hậu đòi hỏi người đội nó phải xứng đáng. Đẹp mà thiếu những điều cơ bản trong hành vi ứng xử, trong lời ăn tiếng nói, thiếu những kiến thức phổ thông, thiếu phông văn hóa trong việc ứng xử với công chúng và nghệ thuật thì cũng chỉ gọi là “người đẹp” mà thôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.