(HNM) - Sáng 16-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các thế hệ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên của Báo Hànộimới và đồng nghiệp báo chí trong và ngoài nước đã có mặt, cùng chia sẻ niềm vui, niềm tự hào khi Báo Hànộimới tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do Đảng và Nhà nước trao tặng.
57 năm đã qua đi trong hành trình Hànộimới và ngày hôm qua, biết bao kỷ niệm buồn vui, những khoảnh khắc gian khó mà Hànộimới đã trải qua bỗng chốc nối nhau ùa về…
Ngay từ sáng sớm, Nhà hát Lớn Hà Nội đón các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên của Báo Hànộimới qua các thời kỳ, nay vẫn là một phần máu thịt của Hànộimới dù họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi người mang một ký ức sống về Hànộimới, tờ báo Đảng địa phương nhưng là một địa phương đặc biệt là Thủ đô, là trái tim của cả nước. Trong câu chuyện của các bác, các cô chú, hình ảnh Hànộimới trong chiến tranh, trải qua thời kỳ đổi mới, bước sang thế kỷ XXI… hiện về sống động, gợi ký ức về Hànộimới từ cách đây hơn nửa thế kỷ khi Báo Thủ đô ra số đầu vào ngày 24-10-1957, hợp nhất với Báo Hà Nội hằng ngày thành Thủ đô Hà Nội (1959), rồi tiếp tục hợp nhất với Báo Thời mới để trở thành Hànộimới, số báo đầu ra ngày 25-1-1968 với niềm vinh dự là tờ báo được Bác Hồ đặt tên.
Báo Hànộimới được như ngày nay không chỉ nhờ công sức của những người viết báo mà còn nhờ công sức của những người làm nhiệm vụ "không tên", mỗi người mỗi việc và tất cả cùng gắng gỏi. Nguyên cán bộ Phòng Tài vụ của báo từ năm 1961 đến 1990, bà Trịnh Thị Kê nhớ lại không khí những năm tháng đã xa. Là người giữ quỹ, trả nhuận bút nhưng kiêm nhiệm vụ giao liên, hằng ngày bà đạp xe lấy tin từ TTX đưa về Hànộimới, ngày nắng cũng như ngày mưa, cả những khi bom đạn thi nhau dội xuống thành phố. Bà nói: "Lúc ấy, anh em phóng viên, cán bộ đối với nhau vui tươi, thân tình lắm, đặc biệt là tình cảm gắn bó tự nhiên, ấm áp của các cộng tác viên với tờ báo".
Đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng độc giả, Báo Hànộimới đang xây dựng cơ quan truyền thông đa phương tiện của Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Câu chuyện của bà Trịnh Thị Kê cho người trong cuộc sự liên tưởng về truyền thống và hiện tại, về những gì diễn ra như mới hôm qua. Ngay cả lớp trẻ cũng có thể chiêm nghiệm điều đó, bằng cách nhớ lại thái độ ân cần mà thủ quỹ Hồ Bích Ngọc - người mới đây đã rời nhiệm sở về nghỉ chế độ, đã dành cho họ, và tất cả cộng tác viên của báo trong suốt những năm bà còn công tác. Hànộimới Anh hùng không chỉ trong nhiệm vụ chuyên môn, mà có lẽ ngay cả trong những việc làm giản dị như vậy.
Truyền thống ở một cơ quan báo như Hànộimới là điều rất đỗi thiêng liêng, luôn được trao truyền qua các thế hệ nhờ mối liên hệ gắn bó. Hôm qua, sát cánh bên lớp trẻ trong niềm vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý, nhà báo Nguyễn Xuân Trình, nguyên Tổng Biên tập Hànộimới vẫn nhớ rõ tên từng phóng viên ra đón ông, lớp nhà báo ngày nào ông đứng ra tổ chức thi tuyển trong vai trò của một tổng biên tập. Ông nhớ lại thời kỳ mà Hànộimới mạnh dạn đổi mới trên cơ sở những tiền đề do Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn khởi xướng, bắt đầu tiếp cận mô hình làm báo hiện đại. Mới ngày nào tuyển lớp trẻ vào báo mà nay nhiều cây bút trong số đó đã là nòng cốt của Hànộimới, giữ cương vị phụ trách các phòng, ban, tiếp tục phần việc mà lớp trước để lại.
Nhà báo Hồ Quang Lợi đến dự ngày vui của Hànộimới, ngoài vai trò đại biểu, trên cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông còn đến với tâm thế người nhà. Câu nói xúc động của ông trong mỗi cuộc trò chuyện với đồng nghiệp cũ là "tôi đã làm Tổng Biên tập Hànộimới trong 2 năm, 3 tháng, 1 ngày" - khoảng thời gian không dài nhưng cũng là quãng thời gian mà Hànộimới đã để lại rất nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc.
Nói đến tờ báo cũng không thể không nhắc đến thời điểm lịch sử, khi Báo Hà Tây và Báo Hànộimới thành người một nhà kể từ năm 2008. Nhà báo Lê Khắc Học, nguyên Chánh Văn phòng Báo Hànộimới đã có 22 năm làm báo Hà Tây và 10 năm gắn bó với Hànộimới. Ông bày tỏ niềm tự hào vì Hànộimới là tờ báo Đảng địa phương đầu tiên được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông nhắc lại thời điểm ấy, rằng Hànộimới là một trong những đơn vị nhanh chóng ổn định về tổ chức để tiếp tục hoạt động.
Bên cạnh các cán bộ, phóng viên, một lực lượng đặc biệt quan trọng của tờ báo là các cộng tác viên. Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Văn Mỹ khiến người viết không khỏi xúc động khi ông nhắc lại biết bao kỷ niệm suốt mấy chục năm là cộng tác viên của Hànộimới. Rằng nhà thơ, nhà báo Phan Thị Thanh Nhàn đã đặt tít "Khi tiếng bom vừa dứt" cho bài báo của ông. Rằng nhà báo Đinh Nho Tứ đã sửa giúp ông bài viết "Đêm chống Mỹ"… Ông gửi gắm niềm mong mỏi Hànộimới phát triển mạnh mẽ mà không quên giữ gìn bản sắc, giữ chất thanh lịch trong ngòi bút của mỗi người.
Có lẽ không có nhiều dịp để các thế hệ cán bộ phóng viên, cộng tác viên của một tờ báo gần 6 thập niên gắn liền với Thủ đô và đất nước hội ngộ như ngày hôm qua. Chan hòa niềm vui, đan cài ký ức, như khi nhà báo Trần Chiến viết "Sương phố mặt người" cho số đặc biệt của Hànộimới dịp đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, khắc họa những gương mặt "tiền bối" đáng kính nhường nào. Trần Chiến - nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Báo Hànộimới, một trong những cây bút xuất sắc nhất của báo, viết về lớp trước với sự ngưỡng mộ. Đến lượt chúng tôi nhớ về ông như nhớ một người thầy tận tụy giàu lòng vị tha, nhớ những trang bản thảo chi chít những dòng, những chữ mà ông sửa với tình cảm thương quý, trân trọng phóng viên trẻ. Sự gắn bó giữa các thế hệ vẫn còn đó. Nhà báo Cẩm Vân, nguyên phóng viên của Hànộimới từ năm 1965 đến 1988, khiến chúng tôi lần đầu được gặp mà đã thấy gần gũi, thân quen, cảm giác như "người một nhà", có lẽ cũng bởi bà vẫn luôn đọc và chia sẻ cảm nhận về Hànộimới qua người con trai là nhà báo Trọng Quang (Ban Hà Nội Ngày nay)… Người còn ở đây, nhưng không chỉ có người ở đây, một lớp nhà báo của Hànộimới đã từng ngã xuống trên chiến trường, nhiều nhà báo đã về miền xa khuất, nhưng những người ở lại vẫn nhớ về họ, đi tiếp con đường mà họ đã từng đi.
Trưa qua, khi những đồng nghiệp của Ban Hànộimới Điện tử đang thực hiện phần ghi hình cuối cùng cho buổi lễ, tôi bỗng nhớ nỗi mong mỏi của Ban Biên tập báo về mô hình truyền thông đa phương tiện mang tên Hànộimới. Cảm xúc lại ùa về, niềm hãnh diện xen lẫn suy tư, rằng lớp trước đã cho chúng tôi nền móng, để lại khối di sản đáng tự hào, giờ là lúc lớp trẻ đáp lại lời nhắn gửi từ họ. Danh hiệu Anh hùng Lao động là phần thưởng cao quý, là động lực thúc giục chúng tôi hành động vì tương lai của Hànộimới. Truyền thống vẻ vang sẽ được tiếp nối trọn vẹn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.