(HNM) - Với cơ quan quản lý, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dùng để theo dõi sự thay đổi của chi phí sinh hoạt theo thời gian để có chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo số liệu thống kê, CPI bình quân 10 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 tăng 3,6%. Mức tăng tuy chưa đáng lo ngại song cũng đặt ra vấn đề đối với cơ quan quản lý trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% khi năm 2018 chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc. Vậy, câu hỏi đặt ra là những yếu tố nào tác động trực tiếp đến việc tăng CPI?
Trên thực tế, có không ít yếu tố nội tại thuận lợi giúp kiềm chế tốc độ tăng CPI, như: Cung cầu hàng hóa, nhất là sản xuất nông nghiệp được cân đối, nguồn cung dồi dào, ổn định; thậm chí giá thành một số mặt hàng có triển vọng giảm. Đặc biệt, lạm phát cơ bản ở mức thấp, cung tiền, tín dụng được điều hành thận trọng... Kịch bản giá và phương án điều hành, kiểm soát CPI của cơ quan quản lý được chuẩn bị, triển khai linh hoạt theo sát diễn biến thị trường ngay từ những tháng đầu năm.
Những yếu tố tạo áp lực tăng CPI chủ yếu đến từ bên ngoài, như xu hướng tăng giá hàng hóa thế giới, trong đó có biến động tăng của giá nhiên liệu như xăng dầu; hay thiên tai diễn biến khó lường… Tuy nhiên, đối với cơ quan quản lý dù có nhiều yếu tố thuận lợi thì việc kiểm soát CPI và lạm phát luôn là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự chủ động, không thể chủ quan.
Để kiểm soát CPI và lạm phát trong thời gian cuối năm, khi lễ, Tết cận kề, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp điều hành giá đã đề ra từ đầu năm 2018. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là bám sát diễn biến thị trường đối với những mặt hàng có xu hướng tăng để chủ động rà soát, cân đối cung - cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá, đồng thời thực hiện giảm giá đối với mặt hàng có khả năng giảm (thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, phí sử dụng đường bộ…).
Riêng thực phẩm và nông sản - những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp cuối năm, cùng với việc cân đối cung - cầu, cơ quan chức năng còn có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống đầu cơ, găm hàng lợi dụng tăng giá, kết hợp với chủ động phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng nguồn hàng dự trữ để ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của thời tiết…
Cùng với việc kiểm soát CPI, việc điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì theo hướng linh hoạt, phù hợp với tín hiệu thị trường; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 1,5% - 1,6%.
Đương nhiên, trong kiểm soát CPI và lạm phát, không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Đó là việc chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh; chủ động tiết kiệm chi phí, kết nối sản xuất - phân phối theo chuỗi để giảm đầu mối trung gian, từ đó giảm giá thành sản phẩm; chủ động chia sẻ lợi nhuận thông qua các chương trình khuyến mãi, bình ổn giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu những tháng cuối năm…
Từ nay đến hết năm 2018 và đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 được coi là "chặng nước rút" trong việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2018. Hiện diễn biến chỉ số giá tương đối sát với dự báo và trong tầm kiểm soát. Nhận định chung được đưa ra là khả năng khống chế CPI tăng dưới 4% là hoàn toàn có thể, nếu các bộ, ngành, địa phương chủ động và quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.