Góc nhìn

Phát huy nguồn lực di sản văn hóa

Hà Trang 24/04/2024 - 06:47

Hiện nay, cả nước có khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 497 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 13 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn còn không ít bất cập, hạn chế. Đáng chú ý, không ít di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, nhất là di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Trong khi đó, nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể không đồng đều. Việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích có lúc, có nơi vẫn chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa còn mỏng; nhiệm vụ kiểm kê di tích, quy hoạch khảo cổ, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích ở nhiều địa phương còn thiếu đồng bộ và chưa được quản lý chặt chẽ...

Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể khẳng định “tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể như là động lực chính của đa dạng văn hóa và là một bảo đảm cho sự phát triển bền vững”. Vì thế, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, nguyên tắc là bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc; hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện… Nhiệm vụ tiếp theo là ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù; di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội.

Muốn bảo vệ hiệu quả các di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục được ghi danh, cũng như những di sản có giá trị đang có nguy cơ cao bị mai một, chúng ta cần sớm nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí và công cụ để nhận diện rõ hơn các di sản cần được ưu tiên bảo vệ và xây dựng cơ sở pháp lý để Nhà nước ưu tiên nguồn lực bảo vệ những di sản này. Cùng với đó, cần có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham gia thực hiện, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Bên cạnh vai trò định hướng, quản lý của Nhà nước, các cá nhân, cộng đồng cần phát huy tính tự chủ, tìm tòi cách thức gìn giữ và lan tỏa các giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể; kết hợp du lịch với bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân... Làm được như vậy, di sản văn hóa mới thật sự trở thành nguồn lực nội sinh, là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy nguồn lực di sản văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.