Diễn ra từ nay tới hết ngày 5-5, Triển lãm ô tô Bắc Kinh năm 2024 (BJAS 2024) - một trong những triển lãm ô tô lớn nhất thế giới - đã cho thấy những thành tựu và trào lưu mới trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.
Xe điện là tương lai di chuyển
Triển lãm lần này diễn ra khi doanh số bán hàng của các loại xe năng lượng mới (NEV) đạt cột mốc quan trọng tại Trung Quốc vào đầu tháng 4-2024: Chiếm hơn 50% số xe mới bán ra.
"Tại triển lãm, mọi người không còn hứng thú với xe xăng, mà chỉ tìm kiếm những công nghệ mới nhất về trí thông minh và điện khí hóa. Nếu bạn đến đây, bạn sẽ không còn nghi ngờ gì về xe điện. Nó thực sự không còn nằm ở tương lai mà đang xảy ra ngay lúc này" - hãng tin Reuters dẫn phát biểu của ông William Li, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Nio.
Tăng cường quan hệ đối tác
Hợp tác với các công ty bản địa đang trở thành một phương tiện để các nhà sản xuất ô tô nước ngoài tồn tại tại thị trường Trung Quốc.
Tại triển lãm lần này, Mercedes-Benz công bố mở rộng đầu tư, hợp tác với các đối tác ô tô Trung Quốc, bao gồm cả đối tác truyền thống BAIC.
Trong khi đó, Toyota cho biết sẽ kết hợp với gã khổng lồ công nghệ Tencent, còn Nissan hợp tác với Baidu, đều để phát triển các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI).
Sản phẩm riêng cho thị trường lớn
Tại triển lãm năm nay, Honda, Nissan, Mazda đều công bố các mẫu xe dành riêng cho Trung Quốc.
Trong đó, Honda công bố thương hiệu con Ye với ba mẫu xe khác nhau, gồm P7, S7 và GT, dự kiến bán ra trong năm 2025. Về phần mình, Mazda ngoài việc giới thiệu EZ-6 - phiên bản điện hoá của Mazda 6 dành riêng cho Trung Quốc sử dụng nền tảng chung với Deepal SL03 của Changan, còn công bố thiết kế của "CX-5" thuần điện.
Audi cũng mang tới Q6 L e-tron, mẫu xe có trục cơ sở kéo dài so với Q6 thường, trong khi Mercedes-Benz tung ra chiếc xe điện G580 - mẫu xe điện đầu tiên trong lịch sử của G-Class.
"Sang hóa" các thương hiệu
Cuộc chiến giành sự chú ý của người tiêu dùng trên thị trường xe điện Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt, với xu hướng trang bị "những xa xỉ công nghệ" mà người mua xe ở các thị trường khác chưa từng thấy.
Baojun Yep, một mẫu xe có giá chỉ 11.000 USD, có màn hình trên cửa hậu, có thể nhấp nháy các thông điệp như "cảm ơn" hoặc biểu tượng cảm xúc để giao tiếp với các xe xung quanh. Zeekr 001 (giá khoảng 37.000 USD) có thể phát nhạc ở lưới tản nhiệt phía trước khi dừng xe. Dongfeng Nammi với tay nắm cửa có thể bật ra theo mệnh lệnh, thậm chí cho chủ xe khởi động và mở cửa từ xa bằng điện thoại thông minh, dù chỉ có giá từ 9.600 USD.
Để thoát bóng xe Trung Quốc gắn liền với giá rẻ, nhiều nhà sản xuất cũng tranh thủ dịp này tung ra các dòng sản phẩm xa xỉ hoặc thương hiệu riêng ở phân khúc cao cấp hơn. Đơn cử, BYD đã tiết lộ U7, mẫu xe sang thứ ba thuộc thương hiệu con cao cấp Yangwang, với giá khoảng 140.000 USD; Nio công bố giá khởi điểm của phiên bản mới của chiếc sedan ET7 ở mức khoảng 59.000 USD.
Công nghệ là thế mạnh
Triển lãm lần này cũng là "đại tiệc" của các hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến (ADAS) do các nhà sản xuất Trung Quốc tự phát triển. BYD cho biết, sẽ ra mắt chiếc SUV Song L với hệ thống lái thông minh tự phát triển vào tháng 6 tới.
Trong khi đó, Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC) cho biết, sẽ sử dụng hệ thống lái thông minh Qiankun do Huawei phát triển trên các mẫu xe cao cấp thuộc dải sản phẩm Trumpchi, với chiếc đầu tiên dự kiến ra mắt vào tháng 1-2025. Ji Yue - thương hiệu cao cấp thuộc Geely thông báo, các mẫu xe tiếp theo của mình sẽ được trang bị nền tảng điện toán thế hệ mới NVIDIA DRIVE Thor kể từ năm 2026.
Về phần mình, Tencent cho biết đã có đủ mọi kế hoạch phát triển, từ điện đoán đám mây phục vụ xe thông minh, buồng lái thông minh cho tới nhiều khía cạnh khác. Ông lớn ngành công nghệ của Trung Quốc cũng thông báo sẽ cung cấp dịch vụ xe tự hành cho các đối tác như Mercedes-Benz, Bosch và NVIDIA.
Còn BYD sẽ ra mắt hai mẫu xe mới thuộc dòng sản phẩm Dynasty và Ocean trong quý II-2024, có trang bị hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến (ADAS) tự phát triển, trong khi XPeng khẳng định sẽ liên tục nâng cấp phần mềm với tốc độ "siêu nhanh" để vượt lên trên các đối thủ.
Ngoài công nghệ thông minh, tự hành, nhà sản xuất pin CATL cũng tiết lộ loại pin lithium iron phosphate (LFP), cho phép xe chạy hơn 1.000 km trong một lần sạc.
Ai cũng có thể sản xuất ô tô điện
Nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi đã "giành sóng" của các đối thủ sản xuất ô tô truyền thống tại triển lãm lần này, khi tổ chức sự kiện truyền thông sớm nhất nhằm khoe mẫu xe ô tô đầu tay SU7.
Giám đốc điều hành Xiaomi Lei Jun cho biết, đã chốt 75.723 đơn đặt hàng cho chiếc sedan điện SU7 và đặt mục tiêu giao hơn 10.000 chiếc ngay trong tháng 6 tới.
Đa dạng hoá chuỗi sản xuất
Trong khuôn khổ triển lãm lần này, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc cũng không giấu ý định tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất trên khắp thế giới.
XPeng cho biết, cuộc điều tra của châu Âu có thể sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc mở rộng đầu tư vào các nhà máy hoặc tìm kiếm đối tác cung cấp ở nước ngoài. Một trường hợp điển hình là Polestar Automotive đang chuẩn bị chuyển dây chuyền sản xuất các mẫu xe dự định bán tại châu Âu từ nhà máy ở Trung Quốc sang nhà máy tại Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.