Góc nhìn

Không để nhờn luật!

Đình Hiệp 23/04/2024 - 06:14

Quận Hoàng Mai vừa “điểm mặt” một số dự án chung cư, cơ sở kinh doanh… vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy chưa được khắc phục.

Đó là dự án Eco Lake View; chung cư CT36 A&B phố Trịnh Đình Cửu, hay các tòa nhà chung cư Bắc, Trung, Nam Rice City (khu đô thị Tây Nam Linh Đàm)... Thậm chí, trong danh sách vừa được “điểm mặt, chỉ tên” này có cả hai bến xe lớn là Nước Ngầm và Giáp Bát, khiến dư luận không khỏi quan ngại, vì đây là những nơi thường tập trung đông người.

Tình trạng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy không chỉ xảy ra ở các quận mà còn ở các huyện. Báo cáo mới đây của Công an huyện Thường Tín cho thấy, trên địa bàn còn 132ha diện tích kho xưởng sản xuất, 610 kho xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp có nguy cơ cháy, nổ. Điều đáng nói, các trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy này tồn tại nhiều năm, song chính quyền địa phương chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND (ngày 6-7-2022) của HĐND thành phố Hà Nội quy định “việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực” được ban hành nhằm khắc phục tồn tại ở hàng nghìn công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND vẫn còn chậm so với lộ trình đề ra, khi mới có 66/2.980 cơ sở (chiếm 7,3%) hoàn thành việc khắc phục (lũy kế từ các năm trước mới hoàn thành 278 cơ sở); trong khi chỉ tiêu trong năm 2023 là hoàn thành ít nhất 30% và đến năm 2025 hoàn thành 100%.

Mặc dù có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, song công tác phòng cháy, chữa cháy cũng như khắc phục vi phạm chưa triệt để. Điều đáng nói, một bộ phận không nhỏ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và khắc phục triệt để vi phạm...

Trước yêu cầu cấp thiết trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 1131/UBND-NC (ngày 17-4-2024) về việc kiểm tra, khắc phục những bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Để khắc phục tình trạng nhờn luật hoặc cố tình “phạt cho tồn tại”, văn bản trên yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý dứt điểm các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Trong đó, Công an thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và yêu cầu các công trình, cơ sở khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy theo đúng thời hạn. Đặc biệt, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương và trách nhiệm của người đứng đầu. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Đối với những cơ sở chây ỳ, có dấu hiệu trốn tránh, không thực hiện khắc phục phải có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết xử lý nghiêm. Đối với các công trình xây dựng mới phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; không để các công trình thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy chưa được cấp phép đã đưa vào sử dụng.

Có như vậy, việc xử lý những vi phạm về phòng cháy, chữa cháy mới mang tính lâu dài, không để xảy ra tình trạng nhờn luật trong quá trình xử lý vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để nhờn luật!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.