Những ngày này, nhiều xã trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức lễ đón nhận danh hiệu nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là thành quả của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương từ nỗ lực chung tay xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu trên hết là ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân khu vực nông thôn Thủ đô.
Đến nay, thành phố Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức đã được Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố chấp thuận đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; 172 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, các địa phương đều có diện mạo khang trang, hiện đại. Các tuyến đường giao thông được thảm nhựa hoặc đổ bê tông, có điện chiếu sáng và biển chỉ dẫn; hệ thống cơ sở y tế, giáo dục đều đạt chuẩn quốc gia… Trong sản xuất, các địa phương xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản, đạt chất lượng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên một mức mới; số hộ nghèo chiếm tỷ lệ rất thấp hoặc không còn hộ nghèo…
Nhờ những thành quả đạt được như trên, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
Từ những kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2024 có 7 huyện trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới nâng cao; thêm 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và thành phố Hà Nội được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng hoàn toàn trong tầm tay. Để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm nay, các cấp, ngành, địa phương của Hà Nội cần tiếp tục nỗ lực huy động mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị đã đề ra từ nay đến cuối năm 2024. Trong đó, UBND các huyện, thị xã cần rà soát các tiêu chí về nông thôn mới theo quy định; chủ động bố trí ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động các nguồn lực hợp pháp khác theo thẩm quyền, quy định để đầu tư hoàn thành càng sớm càng tốt.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương cần lưu ý đến những chỉ tiêu mang tính phát triển bền vững, có tác động trực tiếp đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cụ thể là: Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống; nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh… Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục quản lý và thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn cơ bản đồng bộ, hiện đại, theo hướng phát triển đô thị.
Một điểm đáng lưu ý là trong nhiều năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đại đa số người dân rất đồng tình, hài lòng với kết quả, quá trình tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng để cấp ủy, chính quyền cùng người dân các địa phuơng tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển khu vực nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.