Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) từ lâu đã trở thành một điểm đến du lịch, văn hóa của người dân Thủ đô, du khách.
Không chỉ mang đến đa dạng sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc, nhiều hoạt động được tổ chức tại đây đã và đang đem lại những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách...
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm đến thường xuyên của người dân và du khách. Tuy nằm khá xa trung tâm thành phố nhưng việc di chuyển đến đây tương đối thuận tiện, dễ dàng. Từ trung tâm thành phố, người dân, du khách có thể đi bằng nhiều phương tiện khác nhau như xe buýt, taxi, xe máy... thẳng theo Đại lộ Thăng Long là đến.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có tổng diện tích 1.544ha, gồm 7 phân khu chức năng, trong đó khu các làng dân tộc được xem là "linh hồn" của làng. Đây là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc đến từ nhiều vùng, miền khác nhau như: Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Tây Nguyên...
Theo Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, từ năm 2016, bên cạnh những sự kiện điểm nhấn trong năm như: “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, “Tuần đại đoàn kết - Di sản văn hóa Việt Nam”, Làng còn có hoạt động hằng ngày, cuối tuần, chuyên đề theo tháng về ẩm thực, âm nhạc, trang phục… do đồng bào các dân tộc tái hiện. Điều này mang đến sức sống và sự hấp dẫn của Làng.
Quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung chia sẻ: “Đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào bất kỳ thời điểm nào du khách cũng được trải nghiệm nếp sống văn hóa của đồng bào dân tộc đang sinh sống tại đây. Ngoài việc khám phá kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc của các dân tộc, du khách còn được thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình, thiên nhiên trong lành”.
Mới đây (từ ngày 18 đến 21-4), Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là địa điểm tổ chức “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, thu hút hơn 300 đồng bào các dân tộc đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia, trong đó, khoảng hơn 100 người của 16 dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại làng. Họ là những già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên); dân tộc Dao (Hà Nội); dân tộc H'Mông (Hà Giang); dân tộc Mường (Hòa Bình); dân tộc Lào, Khơ Mú, Thái (Sơn La); dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); dân tộc Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum); dân tộc Raglai (Ninh Thuận); dân tộc Khmer (Sóc Trăng)...
Tại những ngày diễn ra sự kiện, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn rộn ràng với nhiều hoạt động trình diễn giới thiệu di sản, văn hóa các địa phương như: Giới thiệu văn hóa Sóc Trăng mà điểm nhấn là văn hóa của đồng bào Khmer; tái hiện các nghi lễ thờ cúng, trình diễn trang phục và lễ hội của dân tộc Dao (Thanh Hóa)... Các khu làng dân tộc trở thành những không gian văn hóa, nghệ thuật nhiều màu sắc vô cùng cuốn hút.
Là một du khách tham quan và có dịp trải nghiệm các hoạt động văn hóa diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mới đây, chị Nguyễn Phương Hòa (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Những hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật của đồng bào dân tộc nơi đây rất hấp dẫn, trong đó có nhiều nghi lễ độc đáo lần đầu tiên tôi được chứng kiến. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự là một điểm đến lý tưởng để tìm hiểu văn hóa Việt Nam”.
Còn anh Nguyễn Trung Quân (quận Ba Đình) cho biết, dù nhiều lần đưa gia đình đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để vui chơi nhưng cả gia đình anh vẫn rất ấn tượng với những hoạt động diễn ra trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
“Làng có nhiều không gian hấp dẫn mang đặc trưng riêng của từng vùng, miền. Chúng tôi đến đây không chỉ tham quan, chụp ảnh mà còn được tham gia, trải nghiệm và tìm hiểu nếp sống của nhiều dân tộc khác nhau. Đây thật sự là một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn của Hà Nội”, anh Nguyễn Trung Quân bày tỏ.
Quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, đơn vị tiếp tục duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa định kỳ theo tháng, tuần và hằng ngày với nội dung đa dạng và hấp dẫn hơn; thường xuyên cải tạo, chỉnh trang các không gian cảnh quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.