Với hơn 150 người thiệt mạng, 1.300 người bị thương và hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy, vụ tai nạn khủng khiếp đến nỗi Triều Tiên buộc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đối phó hậu quả.
Lúc 1h chiều ngày 22-4-2004, Triều Tiên hứng chịu một vụ nổ tàu thảm khốc ở nhà ga Ryongchon, cách thủ đô Bình Nhưỡng 50km về phía bắc. Hai đoàn tàu chở dầu và khí đốt hóa lỏng đâm vào nhau, gây nổ với sức công phá chấn động khắp vùng.
Xác toa tàu sau vụ nổ (Ảnh: Chosun Ilbo) |
Thảm kịch xảy ra khoảng 9 giờ đồng hồ sau khi đoàn tàu chở Chủ tịch Kim Jong Il đi qua nhà ga Ryongchon trên đường trở về từ Bắc Kinh. Các quan chức Hàn Quốc xác định đây đơn thuần là một vụ tai nạn, không liên quan đến chuyến đi của ông Kim.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời các nhân chứng mô tả khu vực quanh ga Ryongchon biến thành đống đổ nát như thể vừa chịu một trận không kích. Vụn vỡ bắn tung lên trời và văng khắp một khu vực có bán kính 20km.
Trước khi xảy ra vụ nổ tàu. (Ảnh: Comtourist) |
Sau khi xảy ra vụ nổ tàu. (Ảnh: Comtourist) |
Bình Nhưỡng kết luận nguyên nhân tai nạn là "chập điện do bất cẩn trong khi tránh các toa tàu chở phân hoá học ammonium nitrate".
Triều Tiên phải ban bố tình trạng khẩn cấp xung quanh Ryongchon. Tiếp đó, nước này đã có một hành động khác thường là kêu gọi quốc tế hỗ trợ đối phó với hậu quả tai nạn.
Theo người phát ngôn của Hội Chữ thập Đỏ quốc tế tại Bắc Kinh khi đó là John Sparrow, vụ nổ chết chóc đã phá hủy hoàn toàn 1.850 ngôi nhà và 12 tòa nhà.
Các nhân viên cứu trợ quốc tế được tiếp cận hiện trường cho biết, trong số những người thiệt mạng có tới 76 học sinh của một ngôi trường bị sập. Số thương vong quá lớn đã khiến các bệnh viện ở địa phương bị quá tải.
Nhà cửa xung quanh bị phá hủy. (Ảnh: Comtourist) |
Ít ngày sau, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chính thức xác nhận hơn 150 người thiệt mạng, 1.300 người bị thương, 30 công sở và 8.000 ngôi nhà bị phá hủy. KCNA cho biết, thiệt hại trong bán kính 4km của vụ nổ lên tới 350 triệu USD.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã kêu gọi quyên góp 1.000 tấn lương thực giúp những người sống sót sau vụ tai nạn. Tổ chức này cảnh báo nỗ lực cứu trợ những người bị ảnh hưởng trong vụ nổ đang làm kho dự trữ lương thực hạn chế cạn kiệt.
Nhiều nước đã tham gia cứu trợ các nạn nhân và giúp Triều Tiên khắc phục hậu quả vụ nổ. (Ảnh: Chosun Ilbo) |
Nhiều nước, trong đó có Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc đã đề nghị giúp đỡ Triều Tiên khắc phục hậu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.