Hồ sơ

Thách thức chưa từng có với “vòm sắt” của Israel

Hoàng Linh 14/04/2024 - 09:42

Israel lâu nay nổi tiếng với hệ thống phòng không tiên tiến có thể đánh chặn đa dạng các vật thể bay, tuy nhiên cuộc tấn công quy mô lớn bằng thiết bị bay và tên lửa do Iran tiến hành sáng 14-4 được xem là một thách thức chưa từng có.

israel_1.jpeg
Hệ thống phòng không của Israel gồm nhiều lớp, kết hợp giữa các hệ thống phòng thủ tiên tiến khác nhau. (Ảnh: The Cradle).

Tên "vòm sắt" (Iron Dome) được nhắc tới rộng rãi trên các kênh truyền thông quốc tế. Hệ thống phòng không của Israel thực tế gồm nhiều lớp, với mục đích và nhiệm vụ khác nhau.

Trước hết, đó là The Arrow (mũi tên). Đây là hệ thống được Israel phát triển với Mỹ và đưa vào triển khai từ năm 2000, với mục tiêu đánh chặn các tên lửa tầm xa, bao gồm các loại tên lửa đạn đạo mà Iran sử dụng trong cuộc tấn công mới nhất.

Với các radar cảnh báo vật thể lạ xâm nhập, The Arrow sẽ khai hỏa tên lửa, có thể đánh chặn bên ngoài bầu khí quyển. Theo truyền thông Israel, hệ thống đang được sử dụng hiệu quả trong việc ngăn chặn các tên lửa tầm xa do lực lượng Houthi phóng từ Yemen.

Năm 2017, Israel tuyên bố The Arrow bước sang thế hệ thứ ba, với tốc độ, tầm bắn và độ cao đạt được vượt trội so với thế hệ thứ hai. Sự xuất hiện của phiên bản mới này cũng đưa Israel vào danh sách số ít quốc gia có thể bắn rơi cả vệ tinh.

arrow_1.jpeg
Tên lửa The Arrow khai hỏa (Ảnh: Sputnik).

Tiếp theo là hệ thống tên lửa phòng không David’s Sling, được phát triển bởi Tổ chức phòng thủ tên lửa Israel (IMDO) với sự hợp tác từ Công ty Raytheon của Mỹ.

Khác với The Arrow, hệ thống này có nhiệm vụ đánh chặn các mối đe dọa tầm trung như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa cỡ nòng lớn. Loại tên lửa mà Hezbollah sở hữu ở Lebanon hay rocket Ayyash (tầm hoạt động 250km) mà Hamas thường phóng vào Israel là những ví dụ điển hình.

Cốt lõi của David's Sling là tên lửa đánh chặn Stunner không mang thuốc nổ, được trang bị cảm biến quang điện tiên tiến, đầu dò radar, có thể bay ở tốc độ khoảng 9.255km/h. Tên lửa này được thiết kế để có thể đánh chặn cả các thế hệ tên lửa đạn đạo chiến thuật mới nhất, như Iskander của Nga hay DF-15 của Trung Quốc.

sling.jpeg
Một tổ hợp David's Sling thế hệ mới mà Israel vừa thử nghiệm thành công.

Trên thực tế, David's Sling ít khi được kích hoạt, và cuộc tấn công của Hamas ngày 13-10-2023 là lần hiếm hoi hệ thống này được sử dụng. Theo Bộ Ngoại giao Israel, hệ thống này bổ sung đáng kể năng lực cho The Arrow và Iron Dome.

Israel cũng sử dụng khá nhiều Patriot do Mỹ sản xuất. Đây là vũ khí cũ kỹ nhất trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, thậm chí từng được sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 để đánh chặn tên lửa Scud của Iraq. Trong hệ thống phòng không hiện tại, Patriot được Israel sử dụng để bắn hạ máy bay, bao gồm cả máy bay không người lái (drone).

patriot.jpeg
Các khẩu đội Patriot của Israel (Ảnh: Defense News).

Dĩ nhiên, không thể không nhắc tới Iron Dome (vòm sắt), do Israel tự phát triển với sự hỗ trợ của Mỹ. Với chức năng chuyên bắn hạ tên lửa tầm ngắn và tốc độ bay thấp, Iron Dome đã đánh chặn hàng ngàn tên lửa kể từ khi nó được kích hoạt vào đầu thập kỷ trước - bao gồm hàng ngàn vụ đánh chặn trong cuộc chiến hiện tại chống lại Hamas và Hezbollah. Theo Israel, tỷ lệ thành công của Iron Dome là hơn 90%.

Ngoài các hệ thống trên, Israel cũng đang phát triển thêm một hệ thống mới mang tên Iron Beam để đánh chặn các mối đe dọa trên không, sử dụng công nghệ laser. Nước này cho biết, so với các giải pháp truyền thống, Iron Beam có chi phí rẻ hơn rất nhiều, tiềm năng thay đổi hoàn toàn nguyên lý phòng không một khi được triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, hệ thống này chưa thể hoạt động ở thời điểm Iran phát động cuộc tấn công.

499a30f5-c257-42c7-97e8-0443a2c4fb0c.jpeg
Một tổ hợp Iron Dome khai hỏa. (Ảnh: CNN).

Sự kết hợp của các hệ thống trên đã “phủ kín” vùng trời Israel, và thực tế đã cho thấy hiệu quả trong suốt cuộc chiến kéo dài trước Hamas và các lực lượng Palestine cũng như trước đợt tấn công mới nhất của Iran - có quy mô lớn nhất mà hệ thống này từng đối mặt.

Theo một phát ngôn viên của Lực lượng Phòng thủ Israel (IDF), trong số khoảng 200 thiết bị bay và tên lửa mà Tehran phóng đi sáng 14-4, hầu hết đều bị đánh chặn, chỉ một số ít tên lửa rơi xuống một căn cứ quân sự nhưng gây thiệt hại không đáng kể.

Về phần mình, Mỹ cũng cho biết đã đánh chặn được một số máy bay không người lái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức chưa từng có với “vòm sắt” của Israel

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.