Cuộc tấn công và hành động đáp trả giữa Iran và Israel trở thành tâm điểm dư luận thế giới lúc này, dù đây chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm" của mối quan hệ đầy rẫy phức tạp giữa hai nước trong nhiều thập kỷ qua.
Iran và Israel từng có quan hệ khá gần gũi. Khi Iran nằm dưới sự cai trị của Triều đại Pahlavi trong hơn nửa thế kỷ, quan hệ song phương Iran-Israel không hề thù địch. Iran là quốc gia thứ hai có đa số dân theo Hồi giáo công nhận Israel vào năm 1950, sau Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc này, Israel cũng nhanh chóng thiết lập quan hệ với các quốc gia phi Ả Rập, bao gồm hợp tác quân sự và an ninh với Iran.
Trong giai đoạn này, Tehran và Tel Aviv trở nên thân thiết dựa trên hợp tác chặt chẽ về các vấn đề quân sự, công nghệ, nông nghiệp và dầu khí. Iran khi đó coi Israel là cánh cửa để nhận được sự ủng hộ và tài trợ lớn của Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran đã tạo bước ngoặt, đưa quan hệ giữa hai quốc gia rơi vào quỹ đạo nhiều trắc trở. Nhà vua Shah Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ và nhà lãnh đạo tối cao mới của Cộng hòa Hồi giáo Iran dòng Shiite, ông Ayatollah Ruhollah Khomeini, đã theo đuổi chính sách đối ngoại rất khác biệt, trong đó trọng tâm là chống đế quốc.
Cũng theo các nhà sử học, những người Hồi giáo dòng Shiite ở Iran từ lâu vẫn coi Israel là một quốc gia bất hợp pháp đã chiếm đoạt các vùng đất của người Hồi giáo, Ả rập và đuổi người Palestine ra khỏi quê hương xa xưa. Họ tin rằng, Israel nên được thay thế bằng một nhà nước phi tôn giáo, trong đó, người Hồi giáo và người Do Thái sống bình đẳng.
Điều này thể hiện rõ nét qua các bài phát biểu đầu tiên của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini, đã chỉ ra hai kẻ thù chính của Iran là Mỹ và Israel, nhấn mạnh Israel là quốc gia cần "biến mất" nhằm "giải phóng Jerusalem".
Chỉ 3 tuần sau đó, Tehran đã cắt đứt quan hệ với Israel, vạch ra chính sách đối ngoại thân cận hơn với các quốc gia Ả rập, thậm chí biến Đại sứ quán Israel tại nước này thành trụ sở của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) - động thái khiến Israel tức giận. Tehran cũng xác định Iran là "bên bảo vệ chính nghĩa" cho người Palestine và chống lại kẻ thù chính Israel.
Hơn 40 năm kể từ mốc này, quan hệ Iran-Israel ngày càng trở nên căng thẳng, với nhiều mốc diễn biến quan trọng.
Năm 1982, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã thành lập lực lượng dân quân Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon, một quốc gia Ả rập có cộng đồng người Shiite đông đảo. Nhóm Hezbollah đã chống lại Israel khi nước này đưa quân vào miền nam Lebanon năm 1982 và chiếm đóng khu vực này cho đến năm 2000.
Lúc này, Israel dù không còn thân thiết với Iran như trước nhưng vẫn không cưỡng lại cơ hội cung cấp vũ khí cho Iran. Mối quan hệ quân sự vẫn tiếp tục được duy trì trong vài năm. Từ năm 1981 đến năm 1983, Israel đã bán được khoảng 500 triệu USD vũ khí cho Iran, hầu hết được thanh toán bằng dầu mỏ.
Vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Israel ngày càng lo ngại về khả năng Iran nối lại chương trình hạt nhân, vốn bị gián đoạn sau cuộc cách mạng năm 1979. Dù Iran nhiều lần phủ nhận, Israel vẫn cho rằng, nước này đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Vấn đề hạt nhân Iran kể từ đó liên tục bị các đời Thủ tướng Israel coi là mối đe dọa hàng đầu trong khu vực.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ Saddam Hussein (Iraq), cuộc khẩu chiến giữa Iran và Israel càng trở nên gay gắt.
Vào đầu những năm 2000, căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Iran đạt tiến bộ trong phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad theo hướng bảo thủ lên nắm quyền ở Iran vào năm 2005 cũng đẩy quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp chưa từng có. Nhà lãnh đạo này liên tục đe dọa "xóa sổ" Israel, đồng thời thúc đẩy Iran đạt được những bước tiến mới trong chương trình hạt nhân, sẵn sàng theo đuổi nỗ lực làm giàu uranium.
Lúc này, Israel cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với Iran ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đặc biệt là Azerbaijan; thậm chí thiết lập một liên minh với Baku chống lại Tehran.
Năm 2006, khi xung đột nổ ra giữa Israel và Hezbollah, Tel Aviv cáo buộc Tehran đã cung cấp vũ khí cho nhóm vũ trang Lebanon này, cho phép họ tấn công sâu vào lãnh thổ Israel.
Năm 2009, Iran chỉ trích gay gắt cơ quan mật vụ Israel và Mỹ, cáo buộc hai nước đã phá hoại chương trình hạt nhân của họ bằng phần mềm mã độc mang tên Stuxnet. Iran cũng cho rằng, Israel đã ám sát một số nhà vật lý và kỹ sư chuyên ngành ở Tehran.
Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu thường xuyên ngụ ý sẽ tấn công Iran nếu cộng đồng quốc tế không ngăn cản Tehran phát triển bom hạt nhân. Đáp lại, Iran khẳng định, không ngần ngại đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào từ Israel.
Khi Mỹ cùng các cường quốc ký với Iran Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015, hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, Israel đã phản ứng gay gắt, cho rằng điều này không thể ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. "Sửa hoặc bỏ nó đi" là câu nói quen thuộc được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên tục lặp lại trong các bài phát biểu về vấn đề này.
Khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ông thường xuyên bày tỏ ủng hộ Israel, hứa hẹn sẽ đưa Mỹ thoát khỏi "thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước đến nay", và sau đó đã quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA ngày 8-5-2018.
Với việc Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran không còn bị hạn chế làm giàu uranium và cũng đã chuyển sang xây dựng lại cơ sở hạt nhân ở Natanz, điều này càng làm gia tăng căng thẳng với Israel.
Với gốc rễ mâu thuẫn sâu dày, việc có được một hồi kết tích cực cho quan hệ căng thẳng giữa Israel và Iran lúc này còn xa xôi. Song, nếu cả hai nước có thể kiềm chế, tìm cơ hội đạt được tiếng nói chung nhằm giảm thiểu các khía cạnh xung đột, một lối thoát vẫn khả thi. Nỗ lực hòa giải cũng được giới quan sát chỉ ra nhiều thuận lợi, như: Sự cải thiện trong quan hệ của Iran với phương Tây; tiến bộ về vấn đề Palestine; vai trò trung gian của các quốc gia như Trung Quốc...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.