(HNM) - Chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kết thúc tốt đẹp, không chỉ củng cố quan hệ đối tác giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á và châu Âu, mà còn mở ra cơ hội tăng cường hợp tác. Điều này tạo cơ sở để Đức chèo lái con tàu kinh tế đang đối mặt muôn vàn khó khăn.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Đức đến quốc gia đông dân nhất thế giới trên cương vị Thủ tướng. Thực tế này cho thấy hai bên tiếp tục coi trọng lẫn nhau trong thực thi chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, củng cố hợp tác kinh tế mới là trọng tâm được ưu tiên trong chuyến thăm. Ngay trước chuyến thăm vài ngày, Chính phủ Đức đã bật đèn xanh cho thương vụ bán một phần sở hữu cảng Hamburg lớn nhất nước cho hãng vận chuyển tàu biển Cosco của Trung Quốc, bất chấp nhiều tranh cãi. Đồng thời, tháp tùng Thủ tướng Olaf Scholz đến Trung Quốc là một phái đoàn hùng hậu những tập đoàn kinh tế hàng đầu của Đức.
Điều này là không lạ, khi nền kinh tế Đức và Trung Quốc lâu nay vẫn gắn bó hết sức chặt chẽ. Nền công nghiệp của Đức phụ thuộc nhiều vào năng lực sản xuất tại Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vào Đức trong năm ngoái. Trong khi đó, hai nước đều đang phải dồn sức vực dậy nền kinh tế và đối phó nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Riêng với Đức, thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc lúc này mở ra cơ hội quan trọng để đưa nền kinh tế ra khỏi vùng trũng.
Số liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố ngày 4-11 cho thấy, số đơn đặt hàng công nghiệp Đức trong tháng 9-2022 giảm 4% so với tháng 8-2022, là mức cao hơn dự kiến. Bộ Kinh tế Đức cho biết, sụt giảm đơn hàng trong lĩnh vực sản xuất ô tô và chế tạo máy (tương ứng giảm 9% và 8,1%) đã kéo lùi chỉ số chung. Trong khi đó, Trung Quốc lại chính là thị trường hàng đầu của các nhà sản xuất ô tô Đức.
Số đơn đặt hàng công nghiệp mới là một trong các yếu tố cho thấy những trở ngại Đức đang đối mặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trì trệ, thiếu nguyên liệu và cuộc khủng hoảng năng lượng cản trở sản xuất. Nền kinh tế số một châu Âu vẫn bấp bênh do lạm phát cao liên quan nguồn cung năng lượng đình trệ.
Trong vài tháng qua, nhiều tập đoàn lớn của Đức, trong đó có Volkswagen, Mercedes-Benz, BASF… đều đã tăng mạnh đầu tư, đồng thời chuyển dịch hoạt động sang Trung Quốc nhằm giảm thiểu thiệt hại từ giá năng lượng quá cao tại châu Âu.
Tuy nhiên, nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế hiện vấp phải rào cản lớn là việc Trung Quốc và Đức đang có quan điểm khác nhau về nhiều điểm nóng quốc tế, nhất là trong vấn đề xung đột ở Ukraine và khủng hoảng năng lượng. Chính sách “không Covid” của Bắc Kinh cũng đang khiến nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Đức, khó tiếp cận và khai thác thị trường Trung Quốc. Vì vậy, cuộc gặp cấp cao lúc này là cơ hội quý báu thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.
Trong bối cảnh như vậy, các ý kiến phân tích nhận định, chuyến thăm diễn ra thành công là tín hiệu tích cực, cho thấy hai nước sẵn sàng hợp tác phát triển kinh tế. Tại cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Đức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc và Đức cần hợp tác trong bối cảnh thay đổi và đóng góp nhiều hơn vào các vấn đề toàn cầu. Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, Đức đang tìm cách phát triển hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Nhìn chung, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã không chỉ củng cố hợp tác kinh tế song phương, mà còn góp phần giúp nền kinh tế số 1 châu Âu tránh một cuộc suy thoái toàn diện trong năm 2023, vốn là nguy cơ đã nhìn thấy từ lâu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.