Văn nghệ

Tên Người là cả một niềm thơ

Mai Bá An 18/05/2024 - 13:37

Mỗi dịp tháng 5 về, mọi người Việt Nam đều nhớ đến Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890) - vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc, nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của rất nhiều văn nghệ sĩ.

z5438293664457_3630ef204651b7370804c201a77f6da0.jpg
Chương trình nghệ thuật "Bác Hồ một tình yêu bao la" do báo Văn Hóa tổ chức. Ảnh: Minh Thy

Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Người bừng sáng một mặt trời cách mạng/ Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng/ Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người” ("Sáng tháng Năm"). Là một trong những cánh chim đầu đàn của thơ ca hiện đại Việt Nam, Chế Lan Viên nhận ra ở Người những điều mình cần phải học để đem văn chương đến với cuộc đời: “Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào?/ Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc/ Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác/ Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu” ("Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi").

Ngày Bác ra đi cũng là ngày cả dân tộc đau thương trong nước mắt. Chú bé Trần Đăng Khoa ngày nào đã khóc: “Cháu buốt ở trong tim này/ Chỗ đeo tang suốt đêm ngày/ Bác ơi!/ Cháu không nói được nên lời/ Cháu ngồi cháu khóc, đất trời đổ mưa” ("Cháu thề phấn đấu suốt đời"). Nhà thơ Hải Như thì cảm nhận rất chân thành về giấc ngủ vĩnh cửu của Người một cách sâu sắc và trang nghiêm: “Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa/ Trăng ơi trăng hãy yên lặng cúi đầu/ Trọn cuộc đời, Bác có ngủ yên đâu/ Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ” ("Chúng con canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi!")...

Trong âm nhạc Việt Nam, cái tên kính yêu Hồ Chí Minh ngân lên trang trọng và đầy tình cảm trên từng khuôn nhạc với những tác phẩm “Ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Lưu Hữu Phước), “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Trần Kiết Tường), “Như có Bác trong ngày đại thắng” (Phạm Tuyên), “Vầng trăng Ba Đình”, “Bác Hồ một tình yêu bao la” (Thuận Yến)... cùng hàng nghìn tác phẩm hội họa, điêu khắc, sân khấu về Hồ Chí Minh.

Cống hiến cả cuộc đời cho dân tộc và cách mạng, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào văn học nghệ thuật không những ở nước ta mà nhiều nước trên toàn thế giới. Nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez từng cho ra đời tác phẩm nổi tiếng có nhan đề “Hồ Chí Minh - Tên Người là cả một niềm thơ” ca ngợi về Người. Còn đây là cảm nhận của nhà thơ Apđen Malackhan (Cộng hòa Ả Rập Thống nhất): “Khiêm tốn của sự vĩ đại/ Của lòng trung thực, của sự hiển danh” (Hồ Chí Minh). Nhà thơ người Brazil Ismael Gomez Braga thì tôn vinh Người là “Vị thánh sống của nghìn thánh sống/ Và ân nhân của cả muôn đời” ("Chúc tụng Bác Hồ").

Không những tôn vinh Bác là “người anh hùng”, nhà thơ Ấn Độ Môninđra Rây còn gọi Bác là “Người của ước mơ”, “Người có sức thần”, “Người làm lay động cả tương lai”: “Người là ước mơ/ Đôi tay Người có sức thần thúc giục/ Là anh hùng/ Trái tim Người lay động cả tương lai” ("Việt Nam"). Còn nhà thơ Mỹ Lincon Becman vinh danh Hồ Chí Minh là Người của muôn người, Người của niềm tin chiến thắng: “Người đi giữa chúng tôi/ Lãnh tụ của cách mạng.../ Người cùng chúng tôi/ Gặt mùa chiến thắng” ("Người đi giữa chúng tôi")...

Trong âm nhạc, Evan McColl (nhạc sĩ người Anh gốc Scotland) với “Bài ca Hồ Chí Minh” đã tạo nên một bài hát đầy âm hưởng hào hùng và niềm tự hào bất tận về Hồ Chí Minh: “Miền biển Đông xa tít nơi chân trời/ Người dân ở đó lầm than đói nghèo/ Từ đau thương Người đi khắp năm châu, lòng tin mặt trời chân lý sáng soi rọi chiếu tới dân lành/ Hồ Hồ Hồ Chí Minh/ Hồ Hồ Hồ Chí Minh/ Rừng rực cháy lửa cách mạng lan tràn/ Từ rừng Việt Bắc vào đến Tháp Mười/ Hồ Chí Minh mùa xuân chứa chan muôn niềm tin/ Người từ chân lý sinh ra vì tự do hòa bình/ Người hiến dâng đời mình vì thế giới hòa bình/ Hồ Hồ Hồ Chí Minh/ Hồ Hồ Hồ Chí Minh”.

Điểm một vài trong số rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật viết về Bác để thấy cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức của Người là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn đối với các loại hình văn học - nghệ thuật của hôm nay và mãi mãi về sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tên Người là cả một niềm thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.