Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Anh vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm: Chưa hết gian nan

Quỳnh Dương| 10/06/2022 07:08

(HNM) - Sau nhiều tháng căng thẳng liên quan tới bê bối vi phạm quy định phòng dịch Covid-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, vốn được coi là phép thử đối với uy tín của ông. Tuy nhiên, trong thời gian tới Thủ tướng Boris Johnson sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc hàn gắn chia rẽ nội bộ tới các giải pháp thúc đẩy kinh tế để lấy lại hình ảnh đối với các cử tri.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.

Kết quả cuộc bỏ phiếu được Chủ tịch Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ công bố cho thấy, Thủ tướng Boris Johnson đã nhận 211 phiếu thuận và 148 phiếu chống, tương đương 59% tỷ lệ ủng hộ. Theo quy định hiện hành tại Anh, “ông chủ” ngôi nhà số 10 phố Downing ở thủ đô London (dinh Thủ tướng Anh) sẽ không phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tương tự ít nhất trong 12 tháng tới. Dù vậy, theo các nhà phân tích, tỷ lệ ủng hộ không cao được xem như một lời nhắc nhở đối với nhà lãnh đạo xứ sở Sương mù. Bởi trước đây, năm 2018, cựu Thủ tướng Anh Theresa May cũng phải đối mặt với một

cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do không đạt được thỏa thuận rời Liên minh châu Âu (Brexit). Bà Theresa May nhận được tới 63% phiếu ủng hộ và 37% phiếu chống. Mặc dù vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này, song Thủ tướng Theresa May đã phải từ chức 1 năm sau đó. Nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về chặng đường sắp tới của Thủ tướng Boris Johnson khi phải điều hành đất nước đối mặt với một loạt nguy cơ như suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao cũng như các phong trào đình công diễn ra ở thủ đô London.

Trong khi đó, Ủy ban Đặc quyền của Hạ viện vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ liệu có phải ông Boris Johnson cố tình lừa dối Quốc hội khi nói rằng không có tiệc tùng ở dinh Thủ tướng trong thời gian phong tỏa phòng dịch Covid-19. Nếu bị phát hiện lừa dối Hạ viện, ông Boris Johnson sẽ đối mặt với những lời kêu gọi từ chức mới. Uy tín suy giảm cũng đồng nghĩa với việc người đứng đầu nội các Anh cần thêm rất nhiều nỗ lực để thuyết phục các nghị sĩ trong nội bộ đảng Bảo thủ thông qua nội dung chương trình nghị sự tiếp theo của mình.

Theo số liệu Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố, lạm phát hằng năm của Anh đã tăng lên lên 9%, mức cao nhất trong 40 năm do chi phí năng lượng tăng vọt, khiến cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt trở nên trầm trọng hơn. Khoảng 67% số người được hỏi tại Anh cho biết đã phải tắt sưởi để giảm chi phí, gần 50% khẳng định đã lái xe ít đi hoặc đổi địa điểm mua sắm. Cách xử lý của chính phủ với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đảng Bảo thủ cầm quyền chịu thất bại đáng kể trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra ngày 5-5 vừa qua, khi mất ghế vào Công đảng đối lập tại nhiều khu vực truyền thống ở London. “Phép thử” tiếp theo đổi với Thủ tướng Boris Johnson được cho là 2 cuộc bầu cử địa phương sẽ được tổ chức vào ngày 23-6 tại Tiverton, Honiton, Tây Nam nước Anh và Wakefield ở Yorkshire. Các cuộc thăm dò đều cho thấy đảng Bảo thủ có khả năng thua cuộc cả hai khu vực bầu cử này.

Mới đây, Ngoại trưởng Anh Liz Truss thừa nhận, nước này đang phải đối mặt với tình hình kinh tế rất khó khăn. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo, nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái khi lạm phát nhiều khả năng sẽ tăng lên 10% vào cuối năm nay. Ngân hàng cũng đã nâng lãi suất chủ chốt lên mức 1% để ứng phó với tình trạng giá cả leo thang.

Để vượt qua những thách thức về kinh tế, trong ngắn hạn, Thủ tướng Boris Johnson nhiều khả năng sẽ phải đưa ra chính sách hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp và người dân trong mùa đông sắp tới. Về dài hạn, những khó khăn do năng suất kém và tăng trưởng kinh tế đình trệ là “bài toán” mà Thủ tướng Boris Johnson cần vượt qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Anh vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm: Chưa hết gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.