(HNM) - Chưa đầy 2 tháng kể từ khi nhậm chức, tối 20-10 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Anh Liz Truss đã tuyên bố từ chức và trở thành nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất lịch sử nước Anh. Quyết định được đưa ra trong lúc bà phải đối mặt với áp lực rất lớn do triển khai chính sách kinh tế được đánh giá là sai lầm và sự chỉ trích từ các nghị sĩ đảng Lao động đối lập và nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền.
Theo Hãng tin BBC, trước khi từ chức, Thủ tướng L.Truss đã có cuộc thảo luận với Phó Thủ tướng Therese Coffey, Chủ tịch đảng Bảo thủ Jake Berry và nhóm nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Hạ viện. Thủ tướng L.Truss cho biết, nhiệm kỳ của bà bắt đầu giữa bất ổn kinh tế và chính trị quốc tế. Tuy nhiên, những chính sách mà bà triển khai đã không đạt được hiệu quả như mong đợi khiến bà không thể thực hiện đúng những cam kết với các cử tri. Đây chính là nguồn cơn dẫn tới sóng gió trên chính trường xứ sở Sương mù những ngày gần đây.
Cũng trong ngày 20-10, bà Jason Stein - một trong những cố vấn cấp cao nhất của Thủ tướng Anh L.Truss đã bị đình chỉ công tác và phải đối mặt với cuộc điều tra chính thức. Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverma đã từ chức do quan ngại về vấn đề tôn trọng những cam kết mà chính quyền của Thủ tướng L.Truss đã hứa với các cử tri trong cuộc bầu cử vừa qua.
Trên thực tế, ngay sau khi lên nắm quyền vào đầu tháng 9, Thủ tướng L.Truss đã thực hiện đúng cam kết triển khai chính sách kinh tế có tên “Gói ngân sách nhỏ” với mục tiêu giảm thuế hộ gia đình và hóa đơn năng lượng trong khi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch ngân sách dự kiến sẽ giảm sàn thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 19% và mức trần xuống 40%. Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông Kwasi Kwarteng cho biết, ngân sách mới sẽ giải quyết 3 vấn đề chính: Bảo đảm giá năng lượng, hỗ trợ bình đẳng cho các doanh nghiệp và cấp nguồn vốn cho thị trường năng lượng. Tuy nhiên, chỉ sau ít tuần thực hiện, “Gói ngân sách nhỏ” bị cho là giúp người giàu hưởng lợi, ngân sách chính phủ sụt giảm bởi các khoản thuế hạ thấp. Nỗi lo nợ công gia tăng khiến lãi suất trái phiếu tăng cao. Đồng bảng Anh trượt giá lịch sử so với đô la Mỹ.
Những bất ổn đã buộc Thủ tướng L.Truss cách chức Bộ trưởng Tài chính K.Kwarteng vào ngày 17-10 và bổ nhiệm ông Jeremy Hunt thay thế. Cùng với động thái này, bà L.Truss đã có màn đảo ngược chính sách được cho là “lịch sử” khi hủy bỏ hầu hết những nội dung quan trọng nhất trong “Gói ngân sách nhỏ”. Cụ thể, Bộ trưởng J.Hunt rút lại kế hoạch bãi bỏ mức thuế thu nhập 45% đối với những người kiếm hơn 150.000 bảng Anh/năm, không giảm thuế suất 20% đối với những người có thu nhập cơ bản cho đến khi tình hình kinh tế cho phép... Thay đổi gây sốc nhất là việc Chính phủ chỉ hỗ trợ chi phí năng lượng cho người dân trong vòng 6 tháng, thay vì 2 năm như kế hoạch ban đầu. Đến tháng 4-2023, Chính phủ sẽ tìm phương án mới để hỗ trợ những người khó khăn nhất.
Các bất ổn tài chính liên quan đến các chính sách điều hành kinh tế của Thủ tướng L.Truss trong thời gian vừa qua đã khiến uy tín của đảng Bảo thủ giảm mạnh. Bà không chỉ bị Công đảng đối lập chỉ trích nặng nề mà còn gây chia rẽ ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ. Báo Guardian cho biết, có tới 100 bức thư bày tỏ sự bất tín nhiệm nữ Thủ tướng đã được gửi tới ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922 - cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ của Anh. Ông Crispin Blunt, nghị sĩ kỳ cựu của đảng Bảo thủ, là người đầu tiên công khai kêu gọi bà L.Truss từ chức.
Ngay sau khi Thủ tướng L.Truss tuyên bố từ chức, các lãnh đạo đảng Bảo thủ đã nhất trí sẽ tổ chức bầu cử để lựa chọn người kế nhiệm vị trí Thủ tướng Anh trong tuần tới. Ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922 cho biết, cuộc bầu cử tìm kiếm tân thủ tướng Anh sẽ kết thúc vào ngày 28-10.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.