Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss: Thách thức đón chờ

Thùy Dương| 07/09/2022 06:54

(HNM) - Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã đánh bại cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak để được bầu làm lãnh đạo của đảng Bảo thủ trong ngày 5-9. Sự kiện này đã mở đường cho bà Liz Truss thay ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng tiếp theo của xứ sở Sương mù. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, con đường phía trước của tân Thủ tướng Anh không hề trải hoa hồng khi quốc gia này đang quay cuồng trong các thách thức về khủng hoảng chi phí sinh hoạt và lạm phát tồi tệ nhất.

Bà Liz Truss thay ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng tiếp theo của nước Anh.

Theo kết quả công bố, bà Liz Truss giành được hơn 81.000 phiếu ủng hộ (tương đương 57%), vượt qua ứng cử viên là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (hơn 69.000 phiếu ủng hộ, tương đương 43%) để trở thành lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ. Bà Liz Truss được Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm giữ chức Thủ tướng Anh tại lâu đài Balmoral, Scotland, vào ngày 6-9 sau khi ông Johnson chính thức đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng.

Phát biểu sau khi giành chiến thắng, bà Liz Truss tuyên bố sẽ công bố kế hoạch giảm thuế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sinh năm 1975 tại Oxford trong một gia đình có bố là giáo sư toán học và mẹ là y tá, bà Liz Truss tốt nghiệp Đại học Oxford, ngành triết học, chính trị và kinh tế năm 1996. Sự nghiệp chính trị của bà Liz Truss bắt đầu năm 2006 khi bà được bầu vào làm hội đồng viên ở Greenwich trước khi trở thành nghị sĩ khu vực Southwest Norfolk vào năm 2010. Người phụ nữ 47 tuổi giờ đây sẽ tiếp bước Margaret Thatcher và Theresa May để trở thành nữ thủ tướng thứ ba của Anh. Tuy nhiên, trong vai trò tân Thủ tướng, bà Liz Truss phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như lạm phát hai con số, suy thoái kinh hoàng, bất ổn lao động, hóa đơn năng lượng hộ gia đình tăng vọt và khả năng thiếu nhiên liệu trong mùa đông này...

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có thể sẽ là mối quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của tân Thủ tướng, vì hóa đơn năng lượng của Anh dự kiến sẽ tăng 80% vào tháng 10-2022 và các nhà đầu tư cảnh báo lạm phát có thể lên tới 22% trong năm tới. Trong khi đó, nền kinh tế thu hẹp trong quý II và Ngân hàng trung ương Anh dự báo một cuộc suy thoái kéo dài sẽ bắt đầu vào cuối năm nay khi tiền lương tụt hậu và ngân sách hộ gia đình bị siết chặt do chi phí thực phẩm và năng lượng tăng. Đồng bảng Anh đã giảm gần 8% so với đồng USD chỉ trong 3 tháng qua - khiến nhập khẩu năng lượng tính bằng USD thậm chí còn đắt hơn. Các doanh nghiệp nhỏ - đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, đang cảnh báo về việc đóng cửa trên diện rộng trong mùa đông vì các công ty sẽ không đủ khả năng chi trả cho hóa đơn năng lượng. Ngày càng có nhiều cuộc đình công lao động, do công nhân trong các ngành đòi hỏi mức lương tăng lên phù hợp với chi phí sinh hoạt.

Ngoài những vấn đề trước mắt này, nước Anh cũng có nhiều thách thức kinh tế lâu dài cần vượt qua. Đó là chính phủ mới sẽ cố gắng thực hiện thành công Brexit như thế nào, điều mà cho đến nay đã khiến giao dịch thương mại với các nước láng giềng thân cận nhất của Anh trở nên cồng kềnh và tốn kém hơn? Liệu chính phủ có thể thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa thủ đô London và phần còn lại của đất nước? Giữa một cuộc khủng hoảng năng lượng, liệu chính phủ có đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý cho mức phát thải carbon ròng bằng không? Ngoài vấn đề kinh tế, nhà lãnh đạo mới sẽ phải hàn gắn một đảng Bảo thủ bị chia rẽ sau 3 năm cầm quyền đầy sóng gió của ông Boris Johnson.

Nhiệm vụ trước mắt của tân Thủ tướng Anh là thành lập chính phủ và ưu tiên phục hồi nền kinh tế. Chiến thắng của bà Liz Truss rất vẻ vang nhưng trọng trách cũng rất nặng nề khi phải "chèo lái" nước Anh giữa cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss: Thách thức đón chờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.