Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã thực hiện cuộc cải tổ nội các lần thứ hai kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 10-2022. Đây được xem là động thái bất ngờ của người đứng đầu “xứ sở Sương mù”.
Trong rất nhiều vị trí thay đổi nhằm phục hồi uy tín đang có dấu hiệu đi xuống, việc bổ nhiệm cựu Thủ tướng David Cameron vào chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao được đánh giá là bước ngoặt trong một loạt biến động của đảng Bảo thủ cầm quyền thời gian gần đây.
Quyết định cải tổ nội các được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak sa thải Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman trước sức ép dư luận và nội bộ do bị chỉ trích về cách xử lý của cảnh sát trước các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine trong cuộc xung đột Israel - Hamas.
Thủ tướng Rishi Sunak đã điều chuyển Ngoại trưởng James Cleverly thay thế bà Suella Braverman. Một loạt vị trí chủ chốt khác trong nội các cũng có sự thay đổi như: Bộ trưởng Y tế Steve Barclay thay thế bà Therese Coffey làm Bộ trưởng Môi trường; bà Victoria Atkin được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Y tế; bà Laura Trott thay thế ông John Glen làm Bộ trưởng Ngân khố; ông Ridchard Holden thay thế ông Gregs Hands làm Chủ tịch đảng Bảo thủ...
Việc bà Suella Braverman bị cách chức gây không ít bất ngờ cho dư luận Anh bởi lâu nay, nữ chính trị gia thiên về cánh hữu này được xem là cánh tay phải đắc lực của Thủ tướng Rishi Sunak và đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ ông lên nắm quyền vào năm ngoái. Tuy nhiên, dù được nhiều nghị sĩ theo chủ nghĩa dân túy trong đảng Bảo thủ ủng hộ, song bà Suella Braverman được nhận định là “ngòi nổ” trong nội các bởi thường xuyên đưa ra những quan điểm gây tranh cãi, nhất là vấn đề người nhập cư. Trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng nữa là tới cuộc bầu cử quốc hội, việc ông Rishi Sunak đưa bà Suella Braverman ra khỏi chính phủ là bước đi nhằm củng cố lại sự đoàn kết nội bộ.
Tính tới thời điểm này, đảng Bảo thủ đã nắm quyền được 13 năm. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, đảng này đang bị đảng Lao động dẫn điểm với khoảng cách khá xa. Tại cuộc thăm dò dư luận mới nhất, đảng Bảo thủ cầm quyền chỉ giành được 23% số phiếu bầu, trong khi tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng Lao động lên tới 47%. Nếu xu hướng này không bị đảo ngược, đảng Lao động sẽ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào ngày 2-5-2024.
Theo các nhà phân tích, việc đưa cựu Thủ tướng David Cameron với trường phái trung dung trở lại chính phủ sẽ giúp ông Rishi Sunak cân bằng được các bên trong nội bộ đảng Bảo thủ. Bản thân tân Ngoại trưởng Anh đã khẳng định: “6 năm làm thủ tướng, 11 năm lãnh đạo đảng Bảo thủ mang lại cho tôi một số kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ và kiến thức hữu ích để có thể giúp Thủ tướng Rishi Sunak bảo đảm việc xây dựng các liên minh, quan hệ đối tác và giữ cho đất nước vững mạnh”. Ông David Cameron cũng cam kết sẽ ủng hộ người đứng đầu nội các để giúp đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Tuy thế, cũng không ít ý kiến cho rằng, Thủ tướng Rishi Sunak đang mạo hiểm khi mời một nhà lãnh đạo từng góp phần tạo nên câu chuyện chia rẽ nhất nước Anh mà “di chứng” vẫn còn kéo dài đến hiện tại. Đó là việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) năm 2016 với sự tự tin rằng người dân "xứ sở Sương mù" sẽ bỏ phiếu để ở lại khối. Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra hoàn toàn trái ngược buộc ông David Cameron phải rời bỏ vị trí thủ tướng và thôi làm nghị sĩ từ đó đến nay.
Ngày 14-11, Thủ tướng Rishi Sunak đã gặp nội các mới của mình. Hiện, chưa rõ cuộc cải tổ mạnh mẽ này sẽ giúp đảng Bảo thủ thu hút được sự ủng hộ của các cử tri để lật ngược “thế cờ” hay không. Song, chắc chắn con đường bảo vệ vị trí hàng đầu trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ không dễ dàng đối với Thủ tướng Rishi Sunak.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.