Thủ tướng Anh Theresa May ngày 21-1 đã khởi động một nỗ lực mới nhằm
Trước đó, thỏa thuận Brexit của bà May đã không vượt qua được "cửa ải" Hạ viện Anh với tỷ lệ phản đối là 432-202. Thủ tướng May cho biết sẽ tiến hành tham vấn các nghị sĩ từ tất cả các đảng, các nghiệp đoàn thương mại, các nhóm doanh nhân và các tổ chức xã hội dân sự "để tìm một thỏa hiệp lớn nhất có thể" cho quan hệ Anh-EU trong tương lai.
Phát biểu tại Hạ viện, Thủ tướng May nhấn mạnh, bà đã chú ý đến các lo ngại của các nghị sĩ về điều khoản "rào chắn", theo đó đảm bảo rằng sẽ không có việc kiểm tra hải quan dọc biên giới giữa CH Ireland (một thành viên EU) với Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh sau khi Anh rời EU. Bà cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thảo luận với các đồng nghiệp trong tuần này về vấn đề biên giới sao cho thỏa thuận nhận được sự ủng hộ lớn nhất của Hạ viện. Sau đó, bà sẽ trở lại Brussels để thảo luận với EU về các sửa đổi đối với thỏa thuận.
Nữ Thủ tướng Anh nêu rõ, các nghị sĩ có thể sửa đổi kế hoạch của bà, khi văn bản này được trình lên hạ viện ngày 29-1 tới, đúng hai tháng trước thời điểm Anh rời EU. Hiện nhóm các nghị sĩ ủng hộ "Brexit mềm" (tức là duy trì các quan hệ kinh tế thân mật với EU) đang có kế hoạch sử dụng quyền sửa đổi dự thảo trên để tránh kịch bản Brexit không đạt thỏa thuận, và buộc Thủ tướng May giảm bớt sự cứng rắn trong quan điểm cho rằng, rời EU tức là phải rời thị trường chung và liên thuế quan.
Theo bà May, chính phủ đã quyết định không áp dụng khoản phí 65 bảng Anh (84 USD) mà công dân EU tại Anh sẽ phải trả nếu muốn tiếp tục ở lại vương quốc này sau Brexit. Như vậy, 3 triệu công dân EU sẽ không phải đóng khoản phí này. Đây chính là một "đòi hỏi quan trọng" đối với Nghị viện châu Âu (EP)
Trước đó, EU nhấn mạnh sẽ không tái đàm phán thỏa thuận Brexit mà các lãnh đạo đã nhất trí với bà May hồi cuối năm 2018 sau nhiều cuộc đàm phán cam go. Nghị sĩ Đức Udo Bullmann, đứng đầu nhóm nghị sĩ Xã hội tại Nghị viện châu Âu (EP), cho rằng: "Bà May sẽ chỉ mất thời gian khi tìm cách sửa đổi hay làm rõ hơn về thỏa thuận rào chắn".
Điều khoản "rào chắn" quy định Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan với EU nhằm tránh việc kiểm tra hải quan ở biên giới với Ireland, đồng nghĩa với việc biện pháp tạm thời này sẽ kéo dài đến khi tìm ra một giải pháp vĩnh viễn. Nhưng các nghị sĩ ủng hộ Brexit lo ngại Anh có thể bị mắc kẹt trong liên minh thuế quan và vĩnh viễn bị các quy định thương mại của EU điều khiển.
Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz ngày 21-1 đề xuất giải quyết vấn đề này bằng cách ấn định thời hạn 5 năm cho việc áp dụng điều khoản "rào chắn". Tuy nhiên, ý tưởng trên không nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho biết, việc giới hạn thời gian cho một cơ chế đảm bảo sẽ đồng nghĩa với việc không có rào chắn nào cả. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng phản đối đề xuất trên và kêu gọi 27 nước EU đoàn kết. Cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Đức kêu gọi Chính phủ Anh sớm nhất trí về các đề xuất được đa số nghị sĩ trong quốc hội ủng hộ.
Trong phản ứng của mình, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 21-1 ra tuyên bố kêu gọi cần lập tức chấm dứt tình trạng thiếu chắc chắn xung quanh vấn đề Brexit, vì tình trạng này đặt ra mối đe dọa đối với nền kinh tế Anh cũng như toàn cầu. Phát biểu với báo giới tại thị trấn Davos (Thụy Sĩ) trước thềm lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của IMF, Gita Gopinath nêu rõ: "Chúng tôi đã nhìn thấy những tác động tiêu cực do tình trạng thiếu chắc chắn đối với đầu tư của Anh. Các nhà lãnh đạo cần lập tức giải quyết sự thiếu chắc chắn này".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.