Đã hơn 30 năm trôi qua những người từ lứa tuổi chúng tôi (tuổi 7x) về trước chẳng thể nguôi quên những cái Tết tập thể thời bao cấp... Người trẻ ngày nay không còn quá háo hức, còn với chúng tôi, Tết là thời điểm vô cùng thiêng liêng, rất được mong chờ.
Người ta nói, thời bao cấp chỉ ba ngày Tết là sung túc nhất quả cũng không sai. Quanh năm thiếu thốn nên ai cũng mong đến Tết để được nghỉ ngơi, được ăn thịt, được đi chơi, được uống chén rượu mừng, chúc nhau những điều tốt đẹp. Trước cả tháng trời, mọi người hồi đó đều háo hức, bàn tính cho ngày Tết. Tất cả đều hối hả, tất bật để lo cho mấy bữa ăn thật tươm tất… với tâm lý “đói quanh năm, no ba ngày Tết”.
Những ngày cuối năm, không khí chuẩn bị Tết thời bao cấp đã để lại ấn tượng khó quên với những người từng trải qua giai đoạn chiến tranh, rồi đổi mới của đất nước. Cuộc sống của cán bộ, công nhân viên, từ bộ quần áo đến bữa cơm, từ những đồ dùng sinh hoạt cho đến cả tiếng pháo rộn ràng ngày Tết... đều được Nhà nước cung cấp. Mọi thứ vật phẩm được phân phối, mua theo tiêu chuẩn tem phiếu. Mỗi người được mua một túi hàng gồm một hộp mứt, một gói chè mạn, hai bao thuốc lá, một chai rượu, một miếng bóng bì lợn, đường, một gói mì chính nhỏ... Ngoài ra còn được phân phối gạo nếp, ít thịt lợn, vài lạng đậu xanh, hạt tiêu để gói bánh chưng. Hồi đó, Nhà nước chưa cấm người dân đốt pháo nên nhà nào ít nhất cũng phải có một bánh pháo, vài quả pháo đùng để đốt mừng năm mới.
Mỗi khi Tết đến, điều lo lắng nhất của mỗi gia đình là làm sao mua được hàng Tết theo tiêu chuẩn tem phiếu. Thường nhật, cửa hàng mậu dịch đã đông, ngày Tết lại càng đông hơn nên mọi nhà đều lo cắt cử người xếp hàng. Nhiều khi vì bận mua nhiều mặt hàng hoặc gia đình ít người không thể xếp hàng từ sáng đến trưa mà không chắc đã mua được hàng nên người ta nghĩ ra nhiều cách. Một trong cách đó là “nhờ” những viên gạch, chiếc nón rách... thế chỗ.
Cuộc sống thời bao cấp khó khăn là thế nhưng luôn ấm áp tình người. Ngoài tiêu chuẩn tem phiếu, cơ quan nào làm khấm khá cũng phân thêm cho mỗi cán bộ, nhân viên dăm mét vải, vài cân gạo nếp và thịt lợn. Cứ khoảng từ 25 đến 29 Tết các cơ quan, xí nghiệp bắt đầu chia hàng Tết, giết lợn và tổ chức liên hoan cuối năm. Ngày mổ lợn, chia phần và liên hoan cũng “vui như Tết”, cả cơ quan được huy động, đun nước, trói lợn, cắt tiết, cạo lông, mổ lợn, làm lòng, làm cỗ và chia phần thịt. Cơ quan có năm trăm người phải chia đủ năm trăm phần. Các đơn vị, phòng ban nhận các phần thịt về chia cho mọi người theo phương thức bốc thăm, bảo đảm rất công bằng, không có tư lợi.
Khi Tết đến, nỗi lo lắng chiếm nhiều thời gian của các gia đình là nồi bánh chưng, thường do các gia đình tự gói. Ngay ở khu tập thể May 10, nhiều gia đình phải dùng chung một vòi nước máy công cộng. Những ngày cuối năm, cảnh người múc nước, rửa thịt, rửa lá dong, đãi đỗ làm nhân, hòa tiếng cười nói râm ran khắp nơi. Xếp hàng lấy nước, rửa xong lá dong, đãi xong đỗ để nấu bánh chưng, chân tay người nào người nấy đông cứng lại. Mỗi lần gói bánh chưng, những đứa trẻ chúng tôi lại lăng xăng trải chiếu, đặt mâm, chọn trong đống lá dong vài chiếc lá bé xíu để tự gói cho mình một chiếc bánh. Trong khu tập thể, nhiều gia đình nấu chung một nồi bánh chưng đựng trong chiếc thùng phuy khoảng 200 lít đặt ở giữa sân chơi. Khi luộc bánh chung thì phải dùng sợi lạt đánh dấu để tránh nhầm lẫn, bởi mỗi nhà gói bánh theo chất lượng khác nhau...
Ngày Tết, không khí luộc bánh chưng, nấu cỗ Tết, dọn dẹp, cắm hoa, trang trí nhà cửa, bày bàn thờ, cắt tóc... rộn rã khắp nơi. Các gia đình cũng không thể quên mang bột mì, đường, trứng gà ra tiệm làm bánh của hợp tác xã để làm bánh quy gai, quy xốp. Nhà nào có phụ nữ khéo tay thường trổ tài làm các loại bánh, mứt mà phổ biến là mứt gừng, mứt bí, mứt cà rốt, bánh vòng, bánh su sê, bánh cốm... Đặc biệt, chè kho là món không thể thiếu. Gia đình nào cũng phải có một bình hoa “thập cẩm”. Thứ hoa cắm trong nhà ngày Tết chủ yếu là cúc, thược dược, đơn, đồng tiền, violet; còn ban thờ cũng phải có cành đào, hoa huệ hoặc hoa thủy tiên.
Đối với người Hà Nội thời đó, mâm cỗ Tết thường tuân chuẩn theo nguyên tắc “ba bát, năm đĩa” hoặc “bốn bát, năm đĩa” tùy theo điều kiện, bao gồm: Canh măng, canh bóng và canh khoai tây nấu cà ri, đĩa gà luộc, giò xào, giò lụa, nộm và hạnh nhân xào. Ngoài bánh chưng, xôi gấc, nhà nào sang thì sẽ có thêm chả quế. Mâm ngũ quả ngày Tết đơn giản chỉ có chuối, cam đường, bưởi, quất, ớt và táo Thiện Phiến. Chiều Ba mươi Tết, gia đình thịt con gà được chia để làm cơm cúng tất niên. Sau khi tắm rửa bằng nước lá mùi và thắp hương tất niên, cả nhà sum vầy vừa ăn uống, vừa trò chuyện vui vẻ. Bánh mứt bày ra đĩa, hương đèn được chuẩn bị tươm tất đợi giao thừa. Ngoài đường tiếng pháo nổ râm ran từ rất sớm...
Vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, tất cả như vỡ òa giây phút đón chào năm mới. Nhà nào cũng đốt pháo. Cả thành phố ầm vang tiếng pháo, mùi diêm sinh rạo rực, tạo cảm giác lâng lâng về một mùa xuân hạnh phúc, đất trời dường như cũng bừng lên. Mọi người trong gia đình lại vui sướng quây quần bên đĩa bánh mứt, hy vọng một năm mới may mắn, tốt lành!
Sáng mùng Một Tết, xác pháo đỏ hồng phủ đầy sân hòa trong mưa xuân lất phất. Trẻ con dậy từ rất sớm để nhận tiền mừng tuổi từ bố mẹ và háo hức được bố mẹ cho mặc bộ quần áo mới để đi chơi Tết. Ai không có quần áo mới thì phải giặt giũ bộ ưng ý nhất mấy hôm trước rồi là, gấp phẳng phiu, đợi đúng ngày mùng Một Tết mới dám lấy ra diện. Khi có khách, những đứa trẻ biết ý đi chỗ khác chơi, chỉ lúc các cô, chú gọi đến mừng tuổi mới dám lại gần.
Năm mới, các gia đình đạp xe đi khắp các nhà họ hàng, bạn bè thăm hỏi nhau. Ở trong khu tập thể, mọi người lại hẹn nhau đến tất cả các nhà chúc Tết. Người lớn quây quần, trò chuyện, trẻ con đùa nghịch. Ở các cơ quan, Công đoàn nhà máy tập hợp một số người đến chúc Tết cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là với những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi đến nhà ai hoặc gặp ai trên đường, mọi người đều hân hoan chúc phúc cho nhau một cách chân thành, lịch sự...
Hết ba ngày Tết (Ba mươi, mùng Một, mùng Hai), mọi thứ nhanh chóng quay trở lại nhịp sống thường ngày, người lớn đi làm, trẻ con đi học... Tất cả lại cần mẫn suốt một năm và háo hức chờ đón cái Tết năm sau với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, túi quà Tết, bánh quy gai xốp... cái Tết của một thời gian khó nhưng rất đầm ấm khó quên.
Năm 1986 - năm đầu tiên chấm dứt thời kỳ bao cấp, dường như đã có không ít người bỡ ngỡ. Mấy chục năm ăn có Nhà nước lo, Tết có Nhà nước chu cấp đã trở thành một thói quen, không dễ gì bỏ ngay được. Thế nhưng sự chống chếnh ấy cũng nhanh chóng qua đi... Và những cái Tết tập thể đã trở thành dĩ vãng mang nhiều sắc thái, chua xót lẫn ngọt ngào, mừng vui hòa tiếc nuối. Dẫu trong muôn vàn gian khổ, bố mẹ, ông bà vẫn luôn nhường cơm sẻ áo, dành dụm hết mọi điều tốt đẹp cho con cháu. Điều khiến người ta nuối tiếc hơn chính là tình cảm trong những ngày Tết giờ đây đã phai nhạt hơn xưa nhiều.
Từ khi bước sang thời kỳ đổi mới, đời sống cán bộ, công nhân viên khá lên. Thời buổi kinh tế thị trường đã cung cấp đầy đủ mọi thứ. Bánh chưng, gạo nếp, đỗ xanh, thịt gà, thịt lợn được bán quanh năm ngoài chợ và trong siêu thị. Thậm chí không cần ra chợ, mọi hàng hóa còn có thể đặt mua online trên mạng. Người thành phố mê mải với công việc cho đến tận những ngày cuối cùng của năm mới đổ ào ra phố, ùa vào các siêu thị, chỉ cần một buổi là có thể sắm đủ cho một cái Tết tươm tất. Quần áo mới ngày Tết không còn là một đòi hỏi quá xa xỉ với con trẻ nữa. Chẳng còn những cảnh lo thịt lợn, nuôi gà và cũng chẳng có thời gian để ngồi gói bánh chưng, giò chả. Những nàng dâu thời nay cũng không lo lắng cảnh mẹ chồng thử tay nghề làm gà, soạn cỗ cúng giao thừa bởi mọi thứ đều có thể đặt sẵn.
Về cơ bản, nghi lễ trong ngày Tết ngày nay chưa có nhiều thay đổi, song không còn ai mong đến Tết để được ăn ngon, mặc đẹp mà chỉ mong Tết để vui chơi, nghỉ ngơi, thăm thú, chúc tụng người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Khá giả thì đi du lịch trong, ngoài nước. Bình thường thì về thăm quê. Nếu không đi đâu cả thì cũng lo Tết được đầy đủ… Khái niệm “ăn Tết” ngày xưa giờ đã được chuyển thành “chơi Tết” cùng với sự dư giả về vật chất và quan niệm mới về giải trí ngày lễ.
Tết giờ đây không chỉ trong ba ngày... nhưng sao cái Tết thời bao cấp vẫn làm chúng ta xao xuyến và mỗi khi nghĩ đến lại thấy ấm lên tình người!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.