Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Sức mạnh mềm'' làm nên thương hiệu

Thế Văn| 03/07/2022 06:14

(HNM) - Vì không chăm chút đầy đủ trong xây dựng và phát triển thương hiệu nên nông sản Việt Nam thiếu sức cạnh tranh và thua thiệt trên thị trường quốc tế. Cũng vì không có thương hiệu nên nhiều đặc sản của các vùng quê không có vị thế ngay trên “sân nhà”!

Thương hiệu nông sản luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý cũng như người nông dân. Là đất “nghìn năm văn hiến” lại có nhiều sản vật nổi tiếng, Hà Nội cần làm gì để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp?

Giá trị sản phẩm nông nghiệp không chỉ được định hình bởi những yếu tố hữu hình như chất lượng, mẫu mã, giá thành hay thứ hạng sao của Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP…, mà còn chất chứa những yếu tố vô hình gắn với lịch sử văn hóa của mỗi vùng đất, chảy trong tâm thức mỗi con người. Những yếu tố đó làm nên thương hiệu sản phẩm “đóng đinh” cùng thời gian như: Cá chép Cấn Xá (huyện Quốc Oai), cua đồng Khánh Hiệp, rau muống Linh Chiểu (cùng huyện Phúc Thọ)… Và mỗi sản vật đều gắn với những câu chuyện truyền kỳ của làng quê, tạo nên “lực hấp dẫn” đặc biệt.

Ở điểm nhìn khác, khi muốn mua một sản phẩm nông nghiệp hay sản phẩm làng nghề nào đó, người tiêu dùng thường quan tâm đến hai yếu tố là giá trị và biểu tượng. Do vậy, những câu chuyện - huyền thoại gắn với sản phẩm được kể một cách chân thật, gần gũi sẽ tạo được dấu ấn và niềm tin với khách hàng. Đây không phải vấn đề mới, các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Coca Cola, Château Lagrange… đều sở hữu những câu chuyện của riêng mình.

Thế nhưng ngay ở đất “nghìn năm văn hiến”, phần lớn sản phẩm OCOP trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đã phải bổ sung “câu chuyện sản phẩm” (yếu tố bắt buộc để được công nhận, gắn sao). Bởi lẽ, người quê chỉ có thể kể cho nhau như rượu này được ủ bằng thứ men độc nhất vô nhị hay thứ gạo nếp kia “ăn” chất đất đồng nhà nên không nơi đâu có được…, chứ chưa khai thác được những tầng nấc giá trị văn hóa cho một câu chuyện làm nên thương hiệu sản phẩm.

Vậy làm thế nào để có được những thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, là biểu trưng của những miền quê trên thị trường cạnh tranh khốc liệt của thời hội nhập? Có nhiều cách và việc khai thác giá trị văn hóa cho mỗi sản phẩm cần được xem là một ưu tiên.

Trước hết người nông dân, chủ doanh nghiệp làng nghề phải ý thức được những giá trị văn hóa chính là “sức mạnh mềm” làm nên thương hiệu sản phẩm; qua đó, đầu tư một cách sáng tạo cho những câu chuyện mang thông điệp của người sản xuất đến với “trái tim” người tiêu dùng. Việc này đòi hỏi phải bước ra khỏi nếp nghĩ quen thuộc trong mỗi người, quyết tâm hướng đến mục tiêu mới; xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thời hội nhập.

Mặt khác, thương hiệu sản phẩm bắt nguồn từ người sản xuất, nhưng không thể thiếu sự định hướng, đồng hành của cơ quan chức năng ngành Nông nghiệp, Thương mại… cũng như sự chung tay góp sức của cộng đồng. Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan thông tin, truyền thông trong việc quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề như một biểu trưng cho những giá trị văn hóa của mỗi miền quê; từ đó, tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy việc xây dựng, phát huy thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội.

Giá trị văn hóa chính là “sức mạnh mềm” làm nên thương hiệu của mỗi sản phẩm. Do vậy các địa phương cần chú trọng khai thác lợi thế riêng có của từng vùng, tích hợp đa tầng giá trị cho mỗi sản phẩm, làm nên những thương hiệu nông sản giàu giá trị văn hóa, có sức cạnh tranh cao, xứng danh với đất “nghìn năm văn hiến”…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Sức mạnh mềm'' làm nên thương hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.