Chính trị

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV

Tiến Thành - Đình Hiệp 20/05/2024 09:45

Sáng 20-5, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ bảy.

quochoi4.jpg
Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Dự phiên khai mạc các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Đại tướng Lương Cường, Thường trực Ban Bí thư - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (điều hành hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Trần Thanh Mẫn; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Phiên khai mạc còn có sự tham dự của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố...

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và các đại biểu Quốc hội thành phố.

quochoi1.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hải Nguyễn.
quochoi3.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội dành phút tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hải Nguyễn.

Trước khi bước vào phiên khai mạc kỳ họp, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đúng 9h, phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV diễn ra dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Lập pháp là nội dung trọng tâm của kỳ họp

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV diễn ra trong không khí hào hùng của những ngày tháng 5 lịch sử, kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp.

Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tại phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, Quốc hội làm việc trong 26,5 ngày, từ ngày 20-5 đến 28-6-2024.

tranthanhman.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Duy Linh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng. Trong đó, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của kỳ họp với số lượng 24 dự án luật, dự thảo nghị quyết. Đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Quốc hội cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025.

Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.

“Như vậy, khối lượng công việc của kỳ họp thứ bảy là rất lớn; để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Tăng trưởng GDP quý I-2024 đạt 5,66%

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

le-minh-khai.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Ảnh: media.quochoi.vn.

Về đánh giá bổ sung kết quả năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05% (số đã báo cáo đạt trên 5%), thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25% (số báo cáo tăng khoảng 3,5%). Bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,5% GDP, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo…

Về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Tăng trưởng GDP quý I-2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, mặt bằng lãi suất giảm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

vu-hong-thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn.

Thẩm tra về báo cáo trên của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã thay mặt Ủy ban Kinh tế trình bày báo cáo thẩm tra, trong đó nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức. Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn 6 nhóm vấn đề quan trọng.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ triển khai một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trước hết là tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá, không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.