(HNMO) - Dừa và các sản phẩm từ dừa được coi là mặt hàng đang có sức bật lớn của nông sản Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 900 triệu USD. Ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới. Năm 2023, ngành dừa phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỷ USD.
Tiềm năng lớn
Xuất khẩu dừa và những sản phẩm từ dừa của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group chia sẻ, những năm qua, dừa trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty, trong đó dừa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là lớn nhất. “Theo cơ chế thị trường, năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu trái cây sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng 30-40%, trong đó có mặt hàng dừa tươi”, ông Tùng thông tin.
Nói về tiềm năng của trái dừa Việt Nam, bà Nguyễn Thị Trúc Liên - Giám đốc Khối nguyên liệu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) nhận định, sản phẩm dừa Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhất là sản phẩm chế biến sâu, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ… Công ty đang đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng từ trái dừa để tăng giá trị xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 900 triệu USD. Ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý, trong vòng 5 năm qua, ngành dừa Việt Nam phát triển khoảng 200 sản phẩm, trong đó có một số sản phẩm giá trị cao, xuất khẩu đến những thị trường khó tính như Phần Lan, Hoa Kỳ... qua đó đã khẳng định thương hiệu của dừa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Hiện, hai vùng nguyên liệu chính tại Bến Tre và Tiền Giang cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới. Ông Cao Bá Đăng Khoa - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam nhận định, hiện đơn hàng xuất khẩu dừa của doanh nghiệp rất khả quan, nhiều khả năng ngành này sẽ cán đích xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm nay.
Cần chiến lược bền vững
Là mặt hàng mới, tiềm năng, do đó ngành dừa cần xây dựng một chiến lược bền vững cho mặt hàng này. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu "Made in Vietnam". Hiện nay, ngành dừa không đơn thuần là doanh nghiệp chuyên sản xuất về dừa mà có nhiều doanh nghiệp khai thác nguyên liệu từ dừa, như sản xuất thực phẩm, sản xuất tinh dầu trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, thân cây dừa đang có tiềm năng khai thác lớn để cho ra sản phẩm gỗ dừa.
Ông Cao Bá Đăng Khoa - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho rằng, mùa xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang làm giảm năng suất và sản lượng, gây thiếu hụt nguyên liệu dừa trái phục vụ chế biến xuất khẩu, do đó Việt Nam cần xây dựng ổn định vùng nguyên liệu cho mặt hàng xuất khẩu này. Ngoài ra, Chính phủ cần tạo điều kiện xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm từ dừa; Bộ NN&PTNT cần đưa cây dừa vào Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.
“Một trong những chương trình trọng tâm của Hiệp hội Dừa Việt Nam năm nay là triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để nông dân trồng dừa được hưởng giá nguyên liệu minh bạch, nâng cao giá trị của dừa trái và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dừa Việt trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, để mở rộng đầu ra cho trái dừa, trong năm 2023, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động giao thương kích cung - cầu cho thị trường”, ông Khoa nhấn mạnh.
Trong kế hoạch sắp tới, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ xây dựng thêm các hiệp hội dừa ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ở mỗi tỉnh, hiệp hội sẽ do tỉnh thành lập và Hiệp hội Dừa Việt Nam là thành viên nhằm hỗ trợ cho các hội viên.
Mặc dù có tiềm năng lớn, song ông Khoa cho biết, việc phát triển ngành này còn nhiều khó khăn. Theo đó, doanh nghiệp và Hiệp hội đang từng bước xây dựng những bộ tiêu chuẩn riêng, quy tắc riêng cho dừa. Chẳng hạn bộ tiêu chuẩn cây giống, xác nhận về nguồn gốc xuất xứ gỗ dừa. Sở dĩ ngành này phải làm vậy vì hiện không có khuôn mẫu nào xác nhận sản phẩm gỗ dừa cho việc vận chuyển gỗ từ địa phương này tới địa phương khác.
Về giải pháp lâu dài, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, Cục sẽ phối hợp các đơn vị mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như: Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…; phối hợp với các đơn vị của Bộ NN&PTNT có kiến nghị, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu cho dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.