Những năm qua, việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp được các bộ, ngành, địa phương tổ chức nghiêm túc, đáp ứng được mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, năng lực học sinh và yêu cầu tuyển sinh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các kỳ thi vẫn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục. Nhìn lại kỳ thi năm 2023 có thể thấy, có 41 thí sinh bị đình chỉ thi, trong đó có một thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi; 6 cán bộ coi thi bị dừng thực hiện nhiệm vụ.
Nguyên nhân là do trong quá trình trông thi, một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế thi (sử dụng điện thoại trong khu vực thi) và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình khi coi thi. Một số địa phương, đơn vị chưa chủ động, quyết liệt trong công tác tổ chức, thực hiện nhiệm vụ được giao; công tác phối hợp còn thiếu nhịp nhàng, chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; công tác truyền thông chưa đầy đủ, kịp thời…
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 16-5-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024. Theo đó, các bộ ngành cần chủ động tham gia cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp bảo đảm an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6-2024. Từ nay tới thời điểm đó không còn nhiều. Để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tổ chức kỳ thi và công tác tuyển sinh. Bố trí các điểm thi hợp lý, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nghiêm túc, an toàn, tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi và bảo đảm ứng phó kịp thời với các tình huống bất thường.
Cán bộ coi thi, giám sát phòng thi và các lực lượng tham gia cần được tập huấn để ngăn chặn các hành vi vi phạm quy chế thi, đặc biệt là việc sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi cử. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi theo quy định; không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế; tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ thông tin liên lạc vào phòng thi. Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giúp thí sinh, phụ huynh và xã hội hiểu rằng, việc triển khai các biện pháp kiểm tra an ninh an toàn là để phòng ngừa, bảo vệ chính những người tham gia tổ chức kỳ thi, tạo sự công bằng cho thí sinh.
Các địa phương tiếp tục thực hiện tốt phương châm “4 đúng, 3 không”. “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.
Đối với các thí sinh, các em cần tập trung ôn tập nghiêm túc, không nên chủ quan cũng như xem nhẹ môn học, tích cực ôn luyện, không để tình trạng "nước tới chân mới nhảy"…
Khi có được sự chủ động, nghiêm túc của tất cả các bên liên quan, chúng ta mới có được kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 an toàn và hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.