Chức vụ và quyền hạn là hai thứ đi liền với người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; vừa thể hiện vị trí, vai trò, trách nhiệm, vừa thể hiện quyền lực. Cho nên, đối với cán bộ, một trong những điều cần nhất là làm đúng chức vụ và quyền hạn được giao.
1. Thực tế gần đây cho thấy, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng tiếp tục diễn ra quyết liệt ở mọi cấp, mọi ngành. Cán bộ vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của Đảng đều bị xử lý nghiêm khắc, bảo đảm đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù cho người đó là ai”. Cùng với kỷ luật của Đảng là kỷ luật hành chính, vì thế, những cán bộ vi phạm pháp luật đều phải nhận hình phạt thích đáng.
Điều đáng nói là những cán bộ có chức vụ bị khởi tố, truy tố trong thời gian qua hầu hết đều có chung một tội là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam 7 cán bộ là Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tất cả đều liên quan đến tội danh nêu trên. Trong đó, trường hợp mới nhất là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái bị bắt tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Thuận An.
Không chỉ xảy ra với cán bộ có chức vụ cao, cán bộ cơ sở, thậm chí là công chức bình thường cũng có thể mắc tội này. Trường hợp công chức địa chính, cán bộ lãnh đạo xã Cửa Dương (thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) vừa ra đầu thú liên quan đến vụ án chiếm đoạt tài sản đều xuất phát từ việc không thực hiện đúng chức vụ và quyền hạn, có sự lợi dụng, lạm dụng quyền lực có được do vị trí công tác...
Theo Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, “người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ”.
Có 5 nhóm đối tượng được xếp vào diện có chức vụ và quyền hạn như: Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó...
Thực tế trên cho thấy, các cơ quan chức năng phải thường xuyên, liên tục có biện pháp quyết liệt để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Có làm được như vậy mới có thể tạo chuyển biến hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
2. Mấu chốt để phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là phải đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực. Trong đó, cùng với hoàn thiện hệ thống pháp luật, thì giải pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát kết hợp giữa định kỳ và đột xuất. Công tác này phải tạo ra được áp lực cao đối với người có chức vụ, quyền hạn đến mức phải tự giác thực hiện chức trách, nhiệm vụ một cách nghiêm minh. Việc tổ chức kiểm tra chéo, giám sát chéo giữa các cơ quan, đơn vị trong cùng một địa phương, giữa các phòng, ban trong cùng một đơn vị được vận dụng ở một số nơi gần đây nên được nhân rộng.
Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa vai trò “tai mắt” của nhân dân, của báo chí, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đối với cán bộ có chức vụ, quyền hạn. Các cấp ủy tổ chức Đảng cần tạo ra môi trường để dễ dàng tiếp nhận phản ánh của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, qua đó kịp thời nắm bắt tình hình, nếu thấy nguy cơ, dấu hiệu xảy ra vi phạm phải kịp thời ngăn chặn.
Cấp ủy, trước hết là cấp chi bộ phải phát huy tinh thần dân chủ, sức chiến đấu mạnh mẽ, đề cao kiểm điểm tự phê bình và phê bình, kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa khi phát hiện cán bộ có biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cán bộ, đảng viên cần phải nêu cao trách nhiệm xây dựng Đảng, mạnh dạn, thẳng thắn góp ý với đồng chí mình; làm như vậy không chỉ góp phần xây dựng Đảng mà chính là thể hiện tình cảm yêu thương đồng chí, là tính nhân văn cần có trong mỗi con người, nhất là cán bộ, đảng viên với trách nhiệm nêu gương của mình.
Ngoài ra, cấp ủy tổ chức Đảng phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu quả trong làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để việc này thực sự như cơm ăn, nước uống hằng ngày trong mỗi tổ chức, cá nhân.
Muốn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả cũng cần phải có cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để "không cần, không muốn tham nhũng". Hiện nay, chúng ta đang hướng đến mốc ngày 1-7-2024 khi cả nước sẽ bắt đầu thực hiện chính sách cải cách tiền lương, thực hiện chế độ tiền lương mới. Đây là chủ trương quan trọng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Trung ương nhằm cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị, qua đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, tạo động lực cho cán bộ thực hiện đúng chức vụ, quyền hạn được giao. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành phải có sự chuẩn bị thật tốt, nhất là trong xây dựng thang, bảng lương mới bảo đảm tinh thần lương mới phải cao hơn lương cũ.
Mặc dù vậy, giải pháp quyết định để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" vẫn phụ thuộc vào ý thức tự rèn luyện đạo đức, lối sống của mỗi người cán bộ. Có rất nhiều cán bộ khi đứng trước vành móng ngựa được nói lời sau cùng mới thốt lên là ân hận, giá như không tham lam...
Nên nhớ rằng, theo quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm và có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Đó là hình phạt theo quy định, nhưng “hình phạt” thực tế mà cán bộ đi chệch hướng và phạm tội phải chịu còn lớn hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là “mất tất cả” bởi danh dự không còn, mà danh dự chính là điều thiêng liêng, cao quý nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.