Sáng nay (20-5), kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.
Thông qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri Thủ đô trước kỳ họp cho thấy, cử tri mong muốn Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và xem xét 2 quy hoạch quan trọng của Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý và tiền đề kiến tạo không gian phát triển cho Hà Nội trong giai đoạn tới.
Kỳ họp đặc biệt với Thủ đô Hà Nội
Qua các hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, cử tri Hà Nội đánh giá cao việc Chính phủ trình Quốc hội, xem xét sửa đổi, xây dựng kịp thời một số dự án luật có tác động lớn tới đời sống của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, công đoàn, người lao động; qua đó giúp tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn, đồng thời, góp phần bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững.
Đáng chú ý, cử tri và nhân dân Hà Nội đánh giá, kỳ họp thứ bảy là kỳ họp rất đặc biệt với Thủ đô Hà Nội khi Quốc hội dự kiến sẽ thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét 2 quy hoạch: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là những cơ sở pháp lý và tiền đề kiến tạo không gian phát triển cho Hà Nội trong giai đoạn tới.
Cử tri Lê Đình Nghĩa (quận Nam Từ Liêm) nhận định, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới... Từ đó, cử tri kiến nghị, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời gian tới.
Cử tri Hà Nội cũng đánh giá, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ bảy là những nội dung rất quan trọng, đồng bộ và bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cử tri Lê Kim Xuyến (huyện Thanh Trì) cho rằng, việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch nêu trên sẽ bảo đảm hiện thực hóa các chính sách đặc thù, vượt trội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô trong những năm tới.
Quan tâm những vấn đề cấp thiết
Cử tri và nhân dân Thủ đô cũng ghi nhận tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thời gian qua đã đổi mới trong hoạt động của đại biểu dân cử...
Thông qua tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 18 buổi tại 30 đơn vị, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổng hợp 25 nhóm ý kiến của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét giải quyết.
Cử tri Nguyễn Hữu Tùng (huyện Thạch Thất) kiến nghị, khi triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 phải thực hiện từng bước thận trọng, chặt chẽ, nhất là công tác cán bộ, việc đặt tên đơn vị mới (hợp lòng dân, phù hợp truyền thống văn hóa của địa phương) và quản lý tài sản công (trong đó có các trụ sở hành chính)...
Liên quan đến việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024, cử tri Trần Ngọc Toán (quận Hoàn Kiếm) đề nghị, các đại biểu Quốc hội quan tâm, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, trước khi ban hành bảng lương chính thức, cần thông tin cho các đối tượng được hưởng lương biết rõ ràng, chính xác, qua đó thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, hợp lòng dân.
Bên cạnh đó, cử tri Thủ đô cũng cho rằng, việc điều chỉnh chính sách tiền lương cần có các giải pháp hiệu quả nhằm kiềm chế lạm phát, bình ổn giá hàng hóa trên thị trường, để việc tăng lương bảo đảm đúng mục đích, ý nghĩa, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Tổng hợp ý kiến của cử tri Hà Nội và cả nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành rà soát văn bản hướng dẫn điều kiện cần và đủ để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7-2024. Trong đó, cơ quan chức năng cần quan tâm giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh để chính sách này thực sự động viên cán bộ, viên chức nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Các ý kiến, nguyện vọng của cử tri Thủ đô gửi đến kỳ họp thứ bảy đều là những vấn đề cấp thiết đang đặt ra với Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Mong rằng, Quốc hội cùng các cấp, ngành sớm có biện pháp giải quyết hiệu quả, đưa Thủ đô và đất nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.