Xã hội

Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi): Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Vũ Minh 20/05/2024 - 08:56

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 với nhiều điểm mới, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tạo nền tảng pháp lý quan trọng để nước ta có thể giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại do ma túy.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số quy định của luật này đã khiến các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cần sớm được tháo gỡ.

hoc-vien.jpg
Học viên nữ dưới 18 tuổi tham gia lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội. Ảnh: Hà Hiền

Mang lại nhiều hiệu quả tích cực

So sánh với các quy định trước đó, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đàm Thị Minh Thu đánh giá, Luật Phòng, chống ma túy hiện hành có nhiều điểm tiến bộ; trong đó nổi bật là những quy định về quản lý, sử dụng trái phép chất ma túy; nguồn lực phòng, chống ma túy được chú trọng, ưu tiên cho những địa bàn có nguy cơ cao... Với những quy định vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) ngày càng đi sâu vào đời sống, mang lại hiệu quả tích cực.

Dễ nhận thấy, công tác phòng, chống ma túy nói chung, tổ chức cai nghiện ma túy nói riêng nhận được sự quan tâm, tham gia của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhận thức của người dân về tác hại do ma túy chuyển biến rõ nét, từ đó chủ động phòng, tránh những nguy cơ tiềm ẩn.

Dấu hiệu đáng mừng khác là mạng lưới cơ sở y tế đủ điều kiện xác định nghiện, làm căn cứ để cơ quan chức năng triển khai các biện pháp hỗ trợ điều trị cai nghiện đối với người nghiện, người sử dụng ma túy ngày càng tăng. Hiện cả nước có hơn 6.700 cơ sở đủ điều kiện này, tăng hơn 2.300 cơ sở so với thời điểm trước năm 2022. Nhờ đó, số lượng người nghiện, người sử dụng ma túy tiến hành điều trị cai nghiện gia tăng tương ứng, với khoảng gần 100.000 lượt người/ năm. Sau cai nghiện, một số trường hợp đã từ bỏ con đường lầm lỡ, làm lại cuộc đời.

Sớm gỡ những vướng mắc

Bên cạnh những kết quả khả quan, các cơ quan, đơn vị chức năng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Dưới góc độ quản lý nhà nước về tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ rõ, hiện đa số địa phương thiếu kinh phí để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, nên chủ yếu ưu tiên cho công tác cai nghiện (giảm cầu); chưa đủ nguồn lực để quan tâm đúng mức đến lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy, giúp giảm nguồn cung. Hơn nữa, mạng lưới cơ sở vật chất, nguồn lực con người phục vụ công tác điều trị cai nghiện có chỗ, có nơi chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là với nhóm người trẻ, dưới 18 tuổi.

Từ thực tế triển khai, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện thường có tâm lý “né” lực lượng chức năng, nên không dễ tiếp xúc để tuyên truyền, vận động, giúp họ từ bỏ, tránh xa ma túy. Việc cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khó thực hiện do phải đầu tư nguồn lực lớn, không có lợi nhuận, khiến đơn vị công lập chưa đủ khả năng đáp ứng, còn tổ chức, cá nhân ngoài công lập ít quan tâm đến loại hình dịch vụ này.

Đồng quan điểm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan phản ánh, theo quy định hiện hành, người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phải chi trả phí sử dụng dịch vụ do tổ chức, cá nhân cung cấp theo hợp đồng. Thế nhưng, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có văn bản quy định mức thu phí, nên thiếu căn cứ xây dựng đơn giá dịch vụ cai nghiện...

Trong khi đó, Bộ Công an dự báo, tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều người, nhiều phía, thậm chí có thể làm gia tăng số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Vì thế, các cơ quan chức năng cần có giải pháp khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) càng sớm càng tốt.

Trước thực trạng nêu trên, Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã yêu cầu, các bộ, ngành liên quan, các địa phương tiến hành sơ kết, đánh giá chặng đường hơn 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), chủ động đề xuất giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc thù của từng ngành, địa phương. Thời gian thực hiện tập trung trong quý II-2024.

Hy vọng, những bất cập trong công tác phòng, chống ma túy, tổ chức điều trị cai nghiện theo Luật Phòng, chống ma túy hiện hành sớm được khắc phục. Đó chính là giải pháp quan trọng để góp phần giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại do ma túy ở nước ta hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi): Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.