Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông sản Việt Nam có thể đáp ứng các thị trường khó tính nhất

Theo Chinhphu.vn| 27/01/2023 07:37

Nhân dịp đầu năm mới, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có những trao đổi xung quanh câu chuyện phát triển ngành Nông nghiệp trong năm 2022 và những giải pháp trong năm 2023. Theo Bộ trưởng, năm 2022, với muôn vàn khó khăn, thách thức như đứt gãy cung cầu, chi phí logistics, nguyên liệu đầu vào tăng cao... thì những bước tăng trưởng của ngành Nông nghiệp chứng tỏ một sức sống bền bỉ. Cũng chính vì lẽ đó, điều tự hào là sự phát triển của ngành không chỉ ở con số tăng trưởng mà là sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành Nông nghiệp.

Vai trò trụ đỡ của ngành Nông nghiệp được thể hiện mạnh mẽ không chỉ bởi đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn bảo đảm các vấn đề của xã hội, đặc biệt là việc bảo đảm an ninh lương thực. Việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, vào người nông dân, doanh nghiệp.

Cái được của ngành Nông nghiệp thời gian qua là đang dần thoát "lời nguyền" nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ. Bắt đầu đã có nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của các hiệp hội, ngành hàng, tổ chức nông dân có tư duy tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp.

Nước ta đã mở ra rất nhiều thị trường, mở cửa cho nhiều loại nông sản tiếp cận thị trường khó tính để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Trong năm 2022, Việt Nam đã đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, sầu riêng, khoai lang... sang Trung Quốc; mật ong sang Liên minh châu Âu (EU).

Cùng với đó, Việt Nam đã khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ bảy của nước ta được nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Như vậy, nông sản của Việt Nam về mặt chất lượng có thể đáp ứng các thị trường khó tính nhất…

Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp được tạo ra, thị trường không chỉ tiếp nhận bằng giá cả, bằng chất lượng mà còn quan tâm quá trình sản xuất có tác động tới môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu... hay không. Đây là sức ép buộc ngành Nông nghiệp phải thay đổi.

Những cam kết của Việt Nam trước thế giới về việc sản xuất bảo đảm môi trường và ngành Nông nghiệp bền vững trong chuỗi giá trị lương thực toàn cầu phải được chuyển hóa bằng những hành động cụ thể, bằng trách nhiệm của người sản xuất, nông dân, ngư dân và doanh nghiệp…

Năm 2023, ngành Nông nghiệp phải đi sâu vào kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn. Muốn vậy hoạt động của hợp tác xã, sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp cần bám sát với thị trường hơn…

Đất nước Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp không đứng ngoài sự phát triển này. Trước kia cần nhiều người ngoài đồng nhưng nay chỉ cần bấm điện thoại cũng có thể sản xuất được trên đồng ruộng. Chính vì vậy, người nông dân đang dần chuyển qua mảng công nghiệp - dịch vụ. Như vậy phải tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn bằng kinh tế nông nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp; bảo đảm sự phát triển của người nông dân luôn song hành với phát triển kinh tế nông nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông sản Việt Nam có thể đáp ứng các thị trường khó tính nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.