(HNM) - TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng để bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, công tác này còn những hạn chế, bất cập cần sớm được tháo gỡ, khắc phục.
Toàn thành phố có hơn 27.726ha rừng và đất lâm nghiệp. Mặc dù công tác quản lý bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, song nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đang gia tăng sức ép lên diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có. Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ rừng. Rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố phần lớn chưa được giao đất gắn với giao rừng, vì vậy rừng chưa có chủ quản lý thực sự. Từ đó, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý trách nhiệm khi rừng bị phá, xâm lấn, hủy hoại, xây dựng trái phép và cháy rừng; chưa cắm mốc 3 loại rừng; kinh tế nghề rừng chưa phát triển mạnh, chưa phát huy hết tiềm năng từ rừng…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng thừa nhận, hầu hết với diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện, người dân tập trung vào khai thác thật nhanh giá trị sản xuất của đất rừng chứ chưa quan tâm đến sản xuất rừng bền vững, dẫn đến tình trạng đất bị thoái hóa, bạc màu nhiều năm chưa được cải thiện…
Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, trước đây rừng của huyện Sóc Sơn là rừng sản xuất, vì vậy đất thổ cư, ruộng vườn, nương rẫy của nhân dân nằm xen kẽ. Sau khi Nhà nước cho phép chuyển sang rừng phòng hộ, người dân vẫn sinh sống trong rừng, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Theo anh Trần Anh Hào, chủ hộ trồng rừng trên địa bàn xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì), số hộ dân được giao đất gắn với chăm sóc, bảo vệ rừng còn rất ít. Mặt khác, chính sách hỗ trợ cho người dân chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả như bạch đàn, phi lao sang cây dược liệu, cây ăn quả giá trị cao vẫn còn một số hạn chế. Hiện có quá nhiều đơn vị cùng quản lý rừng và đất lâm nghiệp dẫn tới tình trạng “cha chung không ai khóc”, thậm chí nhiều nông, lâm trường chỉ tồn tại trên giấy, công tác bàn giao cho chính quyền địa phương còn “nửa vời” nên rất khó xác định trách nhiệm...
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng nêu quan điểm: Trước hết, cần xác định rõ bộ máy quản lý rừng từ thành phố đến các xã bảo đảm bình đẳng, hiệu quả, tránh trường hợp “một rừng mà có nhiều người quản lý”, không phân rõ trách nhiệm…, dẫn tới khó khăn trong đầu tư và bảo vệ rừng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố vào diện thấp của cả nước, vì vậy phát triển rừng cần theo hướng gắn với bảo vệ môi trường. Để quản lý rừng tốt, dứt khoát phải thực hiện giao đất, giao rừng. Các địa phương có rừng cần hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích đất rừng và đất lâm nghiệp sang loại đất khác. Thành phố khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư bảo vệ môi trường sinh thái, làm giàu rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái...
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu: Để công tác bảo vệ rừng hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao trách nhiệm hiệu quả quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền cấp cơ sở, đặc biệt là chính quyền cấp xã; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý về bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng. Hà Nội sẽ nhanh chóng thực hiện rà soát 3 loại rừng, phân định cắm mốc giới 3 loại rừng ngoài thực địa đến đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, chú trọng ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả, kiên quyết không để tình trạng phá rừng, chiếm đất rừng, hủy hoại tài nguyên rừng và các điểm nóng về cháy rừng; tích cực ngăn chặn nạn buôn bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.