Xã hội

Tăng cường liên kết quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

Đức Duy 08/10/2023 - 07:35

Thành phố Hà Nội có hơn 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp. Thời gian qua, ngành Kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với kiểm lâm các tỉnh giáp ranh để triển khai có hiệu quả phương án quản lý bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng và kiểm soát hoạt động buôn bán lâm sản, động vật hoang dã, góp phần hoàn thành mục tiêu chung trong phát triển kinh tế - xã hội...

rung-1.jpg
Lực lượng kiểm lâm Hà Nội kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Hoàng Sơn

Liên kết, phối hợp chặt chẽ

Hiện nay, rừng ở thành phố Hà Nội và các tỉnh giáp ranh có hệ động vật quý hiếm và hệ thực vật phong phú, đa dạng. Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản có những khó khăn nhất định nhưng lực lượng kiểm lâm các địa phương vẫn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm trên đất lâm nghiệp...

Hằng năm, Hạt Kiểm lâm Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) và Hạt Kiểm lâm số 8 (huyện Ba Vì) chủ động phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhân dân trên địa bàn các xã giáp ranh; vận động người dân, các chủ rừng tại vùng giáp ranh ký cam kết bảo vệ rừng, không khai thác trái phép, chặt phá rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tham gia đấu tranh phát hiện, tố giác hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và các tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin về cấp cảnh báo cháy rừng từ cấp 4, cấp 5 ở khu vực giáp ranh để kịp thời ứng phó. Khi có cháy rừng, lực lượng kiểm lâm các địa phương tổ chức huy động lực lượng tham gia chữa cháy kể cả khi đám cháy chưa lan sang khu vực thuộc địa bàn quản lý. Đặc biệt, các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động các tỉnh giáp ranh cũng thường xuyên phối hợp, chia sẻ thông tin về đối tượng vận chuyển lâm sản trái pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Ngoài ra, thực hiện quyết định của UBND thành phố Hà Nội về bảo vệ, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã có nguồn gen quý hiếm, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm Hà Nam tăng cường công tác tuyên truyền, bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung, loài voọc mông trắng nói riêng tại khu rừng đặc dụng Hương Sơn; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ tổ chức tuyên truyền đến người dân sống dọc hai bên sông Hồng bảo vệ các loài chim hoang dã di cư.

Năm 2023, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên tổ chức chuyển giao thành công 6 cá thể hổ do người dân tự nguyện giao nộp từ thành phố Thái Nguyên về Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, góp phần phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ loài động vật nguy cấp, quý hiếm.

Cần thêm giải pháp quản lý hiệu quả

Tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản ở khu vực vùng giáp ranh còn tồn tại một số hạn chế. Mới đây, tại hội nghị về công tác phối hợp quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và quản lý lâm sản giữa các tỉnh giáp ranh Hà Nội năm 2023, đại diện chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành phố đã thẳng thắn trao đổi và thống nhất biện pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên thông tin: Hà Nội có hơn 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp ở 7 huyện, thị xã. Rừng của Hà Nội nằm giáp ranh với các tỉnh: Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Hiện nay, lực lượng kiểm lâm địa bàn khu vực giáp ranh còn mỏng nên công tác phối, kết hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp chưa thường xuyên. Lực lượng kiểm lâm các địa phương mới chỉ triển khai công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin liên lạc, còn công tác phối hợp trong tuần tra rừng giữa các bên rất hạn chế. Hơn nữa, diện tích rừng khu vực giáp ranh giữa thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) có sự trùng lấn, chưa được giải quyết; tình trạng đốt dọn thực bì của người dân khu vực giáp ranh tiềm ẩn nguy cơ cháy lan sang rừng phòng hộ của huyện Sóc Sơn nhưng các bên chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, quản lý…

Thống nhất với những khó khăn, bất cập trên, đại diện Chi cục Kiểm lâm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam kiến nghị, thời gian tới các địa phương có rừng giáp ranh cần triển khai thêm các giải pháp, nhất là phối hợp chặt chẽ hơn để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, để từng bước khắc phục những khó khăn nêu trên, chi cục đã đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu với UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các huyện, thị xã có rừng đẩy nhanh công tác rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, chi cục kiến nghị xác định rõ ranh giới 3 loại rừng cả trên bản đồ và ngoài thực địa để thuận lợi cho phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đồng thời, chi cục cũng đang đề xuất thành phố thẩm định, phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng, xây dựng đường phòng cháy kết hợp với đường ranh giới rừng với các tỉnh. Đây là căn cứ để Chi cục Kiểm lâm Hà Nội làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chuyên môn cũng như phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa với các tỉnh giáp ranh trong quản lý, bảo vệ rừng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường liên kết quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.