Sáng 7-11, Báo Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tọa đàm trực tuyến chủ đề "Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu" bàn cách tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng theo hướng đa giá trị, thúc đẩy xuất khẩu gỗ bền vững.
Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng hiện nay của Việt Nam khoảng 14,74 triệu hecta, trong đó rừng trồng chiếm 4,57 triệu hecta (31%), rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu hecta (69%). Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tỷ lệ che phủ rừng 42-43%, giá trị sản xuất tăng 5-5,5%; mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu đạt 18-20 tỷ USD; năm 2030 đạt 23-25 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Diện, Trưởng phòng Thông tin và Chuyển đổi số, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, diện tích rừng tăng lên rất nhanh nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội; sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành; sự đóng góp của hơn 6.000 doanh nghiệp chế biến gỗ. Diện tích rừng trồng tăng 5-5,5% hằng năm, độ che phủ đạt chỉ tiêu của Chính phủ, Quốc hội, tạo việc làm cho hơn 2 triệu nông dân. Rừng trồng là nguồn cung cấp chính cho công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Trần Lâm Đồng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Việt Nam là quốc gia tiếp cận chứng chỉ rừng từ sớm. Từ năm 2006, Việt Nam đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, rừng do người dân quản lý còn hạn chế, nhỏ lẻ...; cả nước mới có khoảng 250.000ha đạt chứng chỉ rừng.
Để xây dựng Luật Lâm nghiệp, việc đầu tiên là cần đưa chứng chỉ rừng vào luật. Để thúc đẩy nhanh việc này, từ năm 2018 đến năm 2022, việc xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia của Việt Nam đã tạo tiền đề thực hiện chứng chỉ rừng bền vững. Trong 435.000ha, có 153.000ha đạt chứng chỉ rừng bền vững do tổ chức FSC cấp. Diện tích rừng trồng mới đạt gần 5 triệu hecta...
Liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong rừng trồng gỗ lớn, ông Vũ Thanh Nam cho rằng, hiệu quả của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được khẳng định, song loại rừng này chưa phát triển tương xứng. Theo thống kê, hiện nay, diện tích rừng trồng gỗ lớn sản xuất đạt khoảng 1 triệu hecta, chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân quản lý, chiếm trên 60%. Diện tích rừng trồng gỗ lớn đang được chuyển hóa khá khiêm tốn, có 440.000ha, chiếm hơn 10% tổng rừng trồng sản xuất (với cây trồng rừng trên 10 tuổi).
Về thách thức trong công tác bảo vệ rừng, theo ông Nguyễn Văn Diện – Trưởng phòng Thông tin và Chuyển đổi số, Cục Kiểm lâm, mặc dù chúng ta có nhiều thành tích về bảo vệ rừng song vẫn tồn tại tình trạng phá rừng, cháy rừng, ảnh hưởng chất lượng rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án riêng về trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2023-2030, tập trung vào cơ chế, chính sách hợp tác, liên kết phấn đấu cuối năm 2030 cả nước có 1 triệu hecta rừng gỗ lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.