Đời sống

Cuộc sống mới ở Cây Chay

Thu Hằng 26/04/2024 - 18:28

Ấn tượng nhất sau hơn 10 năm trở lại thôn Cây Chay (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) là những mảnh sân, vườn rộng rãi và thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng khang trang.

Đường sá đi lại được đổ bê tông sạch sẽ, phong quang, thay cho những con đường đất lầy lội, trơn trượt mỗi khi mưa gió trước đây… Từ một thôn có gần 60% số hộ thuộc diện nghèo (năm 2010), đến nay, Cây Chay chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo. Thôn Cây Chay thực sự đã khoác lên mình tấm áo mới!

Xây dựng cuộc sống no ấm

Đón chúng tôi ở đầu thôn, Bí thư Chi bộ thôn Cây Chay Nguyễn Văn Chuyên và Trưởng thôn Cây Chay Hoàng Văn Lộc hồ hởi nói: “Nếu so với năm 2010 thì Cây Chay có quá nhiều thứ để nói. Trăm nghe không bằng một thấy, mời các phóng viên Báo Hànộimới đi thực tế một vòng để hiểu rõ sự đổi thay của thôn”.

Đúng như lời đồng chí Bí thư chi bộ và Trưởng thôn Cây Chay, ngay từ đầu thôn, lấp ló sau chiếc cổng chào là những ngôi nhà 2-3 tầng khang trang. Cả thôn có 67 nóc nhà, 257 nhân khẩu, đến thời điểm hiện tại có gần 90% số hộ đã xây nhà kiên cố 2 tầng trở lên, trong đó có 3 hộ đang xây dựng nhà ở mới.

Đi sâu vào bên trong thôn, tiếng nói, tiếng cười đùa của trẻ em rộn rã... Minh chứng rõ nhất cho những đổi thay ở đây đó là việc người dân đoàn kết, đang chung tay xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm.

Trò chuyện với chúng tôi trong Nhà văn hóa thôn khang trang, rộng rãi, Bí thư Chi bộ thôn Cây Chay Nguyễn Văn Chuyên không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ: "Năm 2010 trở về trước, thôn chỉ có 1 đảng viên, phải sinh hoạt ghép với chi bộ khác. Hiện nay, thôn đã thành lập chi bộ với 9 đảng viên; các chi hội, đoàn thể đều được thành lập, hoạt động hiệu quả. Trước đây, 100% số hộ trong thôn đều làm nghề đánh bắt cá trên sông Tích và sản xuất nông nghiệp thì nay đã chuyển dịch cơ cấu, chỉ có khoảng 10% số hộ theo nghề đánh bắt cá, còn lại người dân chuyển sang các ngành, nghề mới, xuất khẩu lao động… mang lại thu nhập cao.

Đặc biệt, người cao tuổi trong thôn làm thêm nghề đan bồ, tăng thêm thu nhập. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Chất, nguyên Trưởng thôn Cây Chay, có 2 con làm dịch vụ xe vận tải, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/người/tháng; hộ anh Nguyễn Văn Phúc có con đi lao động ở nước ngoài cho thu nhập cao…".

cay-chay.jpg
Tranh thủ lúc nông nhàn, người dân thôn Cây Chay đan bồ thủ công, mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Thu Hằng.

Trưởng thôn Cây Chay Hoàng Văn Lộc phấn khởi cho hay: “Cách đây hơn 10 năm, cả thôn chỉ có vài chiếc xe máy cũ kỹ, thì nay, hầu hết các gia đình đã mua sắm được xe máy giá trị cao. Một số hộ còn mua được ô tô để đi lại và vận chuyển hàng hóa. Kinh tế phát triển kéo theo đời sống tinh thần của người dân cũng đi lên với phong trào thể dục thể thao rất sôi nổi. Đáng chú ý, trong việc tang, Cây Chay đã và đang thực hiện tốt phong trào tang văn minh. Ba năm trở lại đây, 100% đám tang tại thôn đều thực hiện hỏa táng”.

Song, có lẽ đổi thay nhiều nhất ở Cây Chay phải nói đến sự nghiệp giáo dục. Còn nhớ khoảng những năm 2010-2011, khi chúng tôi về Cây Chay, số người học trung học cơ sở và trung học phổ thông rất ít, thì nay tất cả học sinh trong độ tuổi đều đến trường, nhiều em học giỏi, đỗ đạt cao.

“Đáng quý là có nhiều cháu đỗ các trường đại học danh tiếng của Hà Nội như: Bách khoa, Đại học Y… Một số gia đình trong thôn có con đi du học Nhật Bản, Hàn Quốc. Điển hình phải kể đến gia đình chị Đào Thị Thoa có một cháu đang học năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội và một cháu học Trường Đại học Y Hà Nội”, ông Hoàng Văn Lộc cho biết thêm.

cay-chay-3.jpg
100% đường giao thông trong thôn Cây Chay được đổ bê tông sạch đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Thu Hằng.

Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Sáp - người dân trong thôn vui vẻ nói: “Đời sống được nâng lên, đường sá đi lại thuận lợi nên nhân dân phấn khởi lắm. Từ chỗ phải đi xuống tận chợ Gốt (cách thôn khoảng 2km) để mua thực phẩm, thì nay ngay ở đầu thôn đã có một cửa hàng bán tạp hóa, thực phẩm tươi sống, với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt của nhân dân”.

Để thôn ngày càng phát triển...

Kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng lên, song điều mà người dân thôn Cây Chay trăn trở nhất hiện nay là 100% số hộ dân nơi đây vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (gọi tắt là "sổ đỏ"). Việc này đã và đang ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân địa phương.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Ba, 67 tuổi, nói: “Gia đình tôi có 4 đời sống trên mảnh đất Cây Chay này từ đầu những năm 1940 đến nay. Chẳng lấn chiếm, tranh chấp với ai nhưng đến nay vẫn chưa được cấp "sổ đỏ", ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình”.

Tương tự, anh Nguyễn Phú Cường chia sẻ: "Gia đình anh cũng sử dụng hơn 200m2 đất ở, xây nhà ổn định từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được cấp "sổ đỏ" khiến việc phát triển kinh tế gặp không ít khó khăn do không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng".

Nói thêm về khó khăn nêu trên phải kể đến hiện trạng đặc biệt hiện nay của thôn Cây Chay. Đó là, thôn đang nằm trong địa giới hành chính của xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ); nhưng việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu lại thuộc UBND xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc cấp “sổ đỏ” cho nhân dân.

Thông tin với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, cho biết, để bảo đảm quyền lợi của người dân thôn Cây Chay, cuối năm 2023, UBND huyện Quốc Oai đã có văn bản gửi UBND huyện Chương Mỹ đề nghị quan tâm, chỉ đạo cơ quan chuyên môn và xã Đông Sơn tạo điều kiện, hướng dẫn 67 hộ dân đang sử dụng đất tại thôn Cây Chay, sinh sống trên địa giới hành chính xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ) được lập hồ sơ cấp "sổ đỏ" theo quy định.

Còn Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn Lê Văn Hào, chia sẻ: "Nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân thôn Cây Chay, tới đây, UBND xã Đông Sơn sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Chương Mỹ để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong việc cấp “sổ đỏ” cho nhân dân. UBND xã Đông Sơn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn người dân thôn Cây Chay trong việc thiết lập, hoàn thiện hồ sơ cấp "sổ đỏ" khi có chỉ đạo cụ thể...".

Bên cạnh những trăn trở về cấp “sổ đỏ”, người dân thôn Cây Chay còn có mong muốn là được sử dụng nước sạch. Hiện nay, 100% số hộ dân Cây Chay vẫn đang sử dụng giếng khơi và giếng khoan, chưa bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, 4 khu đất nông nghiệp của người dân Cây Chay nằm ở các xã: Cấn Hữu và Đông Yên (huyện Quốc Oai), Đông Sơn (huyện Chương Mỹ) đều cách xa thôn 4-5km hoặc phải đi qua sông Tích bằng thuyền, đò mới sang canh tác được, trong khi đồng đất trũng nên việc sản xuất kém hiệu quả. Người dân kiến nghị chính quyền các cấp cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng để nâng cao thu nhập.

cay-chay-2.jpg
Hằng ngày, người dân thôn Cây Chay phải đi qua bến đò này, sang đồng Gò Tùy thuộc địa phận xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) để sản xuất nông nghiệp nên rất vất vả. Ảnh: Thu Hằng.

Chia sẻ về kiến nghị này, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Tiến Dũng cho hay, hiện xã đã liên hệ với đơn vị cấp nước sạch khảo sát, lấy ý kiến người dân thôn Cây Chay về việc sử dụng nước sạch. Nếu người dân đồng thuận cao, việc lắp đặt đường ống nước sạch sẽ sớm được triển khai, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Liên quan đến đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và huyện Quốc Oai, hiện, xã Cấn Hữu đang tổ chức rà soát, thống kê diện tích trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn xã, trong đó có thôn Cây Chay. Trên cơ sở rà soát, sẽ đề xuất phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để cuộc sống của người dân thôn Cây Chay ổn định và ngày càng phát triển, mong rằng, chính quyền hai huyện Quốc Oai và Chương Mỹ sớm bắt tay để giải quyết dứt điểm những kiến nghị chính đáng của cử tri.

Theo Báo Hànộimới
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc sống mới ở Cây Chay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.