Ngày 26-4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và bảo vệ động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Những tháng đầu năm 2024, cháy rừng ở Hà Nội tuy có giảm cả số vụ và diện tích nhưng thời tiết diễn biến bất thường, do vậy vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Ở một số địa phương, tình trạng khai thác rừng, lần chiếm đất rừng, san ủi, xây dựng các công trình trái phép trên đất lâm nghiệp và tình trạng buôn bán, săn bắt, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn diễn ra ở một số địa phương với tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi. Ý thức bảo vệ bảo vệ rừng và động vật hoang dã của người dân còn hạn chế hoặc vì lợi nhuận, người dân cố tình vi phạm từ đó làm tăng nguy cơ mất rừng cũng như nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên...
Thực hiện Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 4-4-2024 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ban, ngành Trung ương..., Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp bảo về rừng và PCCCR, quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong đó, đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố về công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã.
Tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định của UBND thành phố số 5443/QĐ-UBND ngày 4-12-2020 về Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR cho lực lượng kiểm lâm, cán bộ quản lý các cấp và các chủ rừng, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội”; Quyết định số 5446/QĐ-UBND ngày 4-12-2020 về Đề án “Bảo tồn, phát triển các loài động, thực vật hoang dã có nguồn gen quý hiếm trên địa bán thành phố Hà Nội”.
Phối hợp với UBND các huyện, thị xã có rừng, lực lượng công an trên địa bàn rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao; tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời gian nắng nóng có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên; chủ động, kịp thời ứng phó khi xảy ra cháy rừng; bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ"…
Chỉ đạo các hạt kiểm lâm, các đội kiểm lâm cơ động chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý địa bàn, công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Khai thác, chặt phá cây rừng, buôn bán, vận chuyển, giết mổ... các loài động vật hoang dã trái phép…
Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội tăng cường kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng và PCCCR của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận giao khoán bảo vệ rừng, hướng dẫn các chủ nhận khoán bảo về rừng thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ rừng và PCCCR theo đúng quy định pháp luật và nội dung hợp đồng nhận khoán đã ký kết…
Đối với Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các ngành liên quan chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt đối với các hành vi vi phạm như: Khai thác, san ủi, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, xây dựng các công trình trái phép trên đất lâm nghiệp, các hành vi săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép trên địa bàn thành phố, cũng như tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...
Chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chủ động phương án chữa cháy rừng, cứu nạn, cứu hộ khi cháy rừng và sạt lở đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe.
Ngoài ra, đối với UBND các huyện, thị xã có rừng, chỉ đạo các phòng chuyên môn, các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn có rừng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và bảo tồn, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn quản lý.
Tổ thức kiện toàn và tăng cường hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ huy Phòng cháy chữa cháy rừng, các tổ đội chuyển trách bảo vệ rừng rà soát, bố trí các nguồn lực, nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện chủ động, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo đúng phương châm 4 tại chỗ: “Phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ" không để xảy ra cháy rừng lớn.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có rừng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về lấn chiếm đất rừng, chặt phá cây rừng, san ủi, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp và mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép. Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn quản lý địa bàn để xảy ra các hành vi vi phạm nếu trên phải chịu trách nhiệm chính trước chủ tịch UBND huyện, thị xã; chủ tịch UBND các huyện, thị xã có rừng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và quy định pháp luật…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.