Môi trường

Đồng hành cùng quản lý, bảo vệ rừng

Đức Duy 06/08/2023 - 22:05

Rừng đặc dụng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) có diện tích 4.705ha là kho dự trữ sinh quyển lớn của Thủ đô. Xác định rõ giá trị của khu rừng, cùng với bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân vùng đệm rừng Hương Sơn, giúp họ yên tâm sinh sống và đồng hành trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

tuan-tra-phong-chong-chay-r.jpg
Tuần tra phòng, chống cháy rừng đặc dụng Hương Sơn (Mỹ Đức). Ảnh: Nguyên Giáp

Chính sách phát huy tác dụng

Cổng làng Ái Nàng (xã An Phú) mới được xây dựng khang trang. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 200 triệu đồng, trong đó Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội hỗ trợ 80 triệu đồng, số còn lại nhân dân địa phương đóng góp. Nhờ kinh phí hỗ trợ thông qua chính sách đầu tư hỗ trợ thôn, bản vùng đệm khu vực rừng đặc dụng Hương Sơn đã góp phần tạo ra diện mạo mới cho An Phú trong xây dựng nông thôn mới.

Tương tự, nhiều năm nay tại thôn Hội Xá (xã Hương Sơn) cũng nhận được 40 triệu đồng/năm tiền hỗ trợ từ Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội. Theo Trưởng thôn Hội Xá Nguyễn Quốc Chính, với số tiền này không đủ để xây dựng mới một công trình, nên các hộ dân trong thôn thống nhất phương án chỉ sửa chữa đường giao thông trong các ngõ, xóm hoặc cải tạo nhà văn hóa thôn, lắp đường điện chiếu sáng…

Hay như tại thôn Tiên Mai (xã Hương Sơn), nhận thấy đường làng, ngõ xóm xuống cấp, người dân cũng đề xuất và nhận được một phần kinh phí từ Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội trong chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm rừng Hương Sơn. Các ban, ngành, đoàn thể trong thôn Tiên Mai đã huy động nhân dân vào cuộc đầu tư xây dựng tuyền đường ngõ xóm bằng bê tông dài 137m, rộng gần 5m khang trang, sạch, đẹp, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân đi lại phát triển kinh kế.

Tại thôn An Duyệt (xã Hùng Tiến), trên cơ sở đề xuất của người dân, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí triển khai thi công lắp lan can ao cá Bác Hồ của thôn với chiều 266m. Kinh phí thực hiện là 60 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, 20 triệu đồng vận động từ nguồn xã hội hóa.

Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội Tạ Duy Long cho biết, rừng đặc dụng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) còn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế thông qua các hoạt động phát triển rừng và du lịch sinh thái. Do vậy, thời gian qua, đơn vị thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng bền vững.

Trong đó, đơn vị hỗ trợ kinh phí tạo sinh kế cho 23 thôn của 4 xã vùng đệm rừng Hương Sơn, gồm: Hương Sơn, Hùng Tiến, An Tiến, An Phú (huyện Mỹ Đức) để người dân đồng hành trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tổng số tiền hỗ trợ hằng năm là 920 triệu đồng, mỗi thôn được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng, cải tạo các công trình phúc lợi, an sinh xã hội. Tuy nhiên, để giải ngân hiệu quả nguồn kinh phí, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã tổ chức hội nghị thông tin rộng rãi tới người dân. Đồng thời, trong quá trình triển khai dự án, đơn vị cử cán bộ xuống hướng dẫn các thôn nghiệm thu công trình, thanh quyết toán dự án… bảo đảm chi đúng, chi đủ.

Song song với chính sách hỗ trợ, hằng năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội còn phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và UBND huyện Mỹ Đức tổ chức tuyên truyền nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá cây xanh trong khu rừng đặc dụng. Nhờ đó, nhiều năm nay, trên địa bàn huyện Mỹ Đức không xảy ra cháy rừng, phá rừng; rừng đặc dụng Hương Sơn sinh trưởng và phát triển tốt.

Tiếp tục hỗ trợ tốt nhất cho nhân dân

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, hầu hết cộng đồng dân cư vùng đệm rừng Hương Sơn đánh giá cao chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ có chính sách này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các thôn vùng đệm rừng đặc dụng Hương Sơn.

Tuy nhiên, người dân ở đây cũng cho biết, nguồn kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng/năm là quá thấp, khó triển khai dự án. Các thôn kiến nghị tăng mức hỗ trợ trong giai đoạn tới và có thể hỗ trợ theo số lượng nhân khẩu. Cụ thể, với thôn có dưới 5.000 nhân khẩu, mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/năm; thôn có từ 5.000 nhân khẩu đến dưới 10.000 nhân khẩu, mức hỗ trợ là 70 triệu đồng/năm; thôn có từ 10.000 nhân khẩu trở lên, mức hỗ trợ là 80 triệu đồng/năm. Đồng thời, đề xuất triển khai đa dạng nội dung hỗ trợ, như: Hỗ trợ hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị chế biến nông, lâm sản quy mô nhỏ, hỗ trợ vật liệu xây dựng cho các công trình của cộng đồng thôn, bản...

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Tạ Duy Long cho biết, trước mắt, đơn vị báo cáo Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ kinh phí tạo sinh kế cho 23 thôn thuộc 4 xã của huyện Mỹ Đức. Đối với những kiến nghị, đề xuất của người dân, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng sẽ tổng hợp chuyển các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nhân dân nâng cao đời sống và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng đặc dụng Hương Sơn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng quản lý, bảo vệ rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.