Theo dõi Báo Hànộimới trên

OPEC cắt giảm sản lượng dầu mỏ: Biến động khó lường

Minh Hiếu| 08/12/2018 06:40

(HNM) - Phiên họp lần thứ 175 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã diễn ra tại thủ đô Vienna (Áo) với nội dung trọng tâm là thảo luận về việc cắt giảm sản lượng để cân bằng thị trường và nguồn phân phối từ các quốc gia, giải quyết tình trạng giá dầu tuột dốc trong những tháng vừa qua.

Các nước OPEC buộc phải có hành động để ổn định thị trường dầu mỏ.


Sau hơn một năm thực hiện thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu hằng ngày và được áp dụng mở rộng với cả những nước không phải thành viên OPEC, hồi tháng 6 vừa qua, tổ chức này đã nhất trí nâng sản lượng khai thác trở lại để bù đắp cho mức xuất khẩu dầu thấp của Iran, trong đó sản lượng dầu của Saudi Arabia đã lập kỷ lục trên 11 triệu thùng/ngày. Tình hình kinh tế thế giới diễn biến bấp bênh, cùng động thái nâng sản lượng và việc chính quyền Mỹ thông báo sẽ miễn trừ cho một số nước khỏi lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Iran được cho là những nguyên nhân chính khiến giá dầu liên tục giảm tới hơn 30% trong 2 tháng gần đây sau khi chạm đỉnh 4 năm vào đầu tháng 10 vừa qua. Báo cáo được công bố vào tháng 11 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán, tình trạng cung vượt cầu là xu hướng chủ đạo của thị trường dầu mỏ thế giới năm 2019 do nhu cầu tiêu thụ có xu hướng giảm.

Trước những diễn biến mới nhất của thị trường, OPEC và các nước xuất khẩu dầu lớn khác trên thế giới buộc phải tìm biện pháp ứng phó, tránh để lịch sử lặp lại khi giá dầu tuột dốc không phanh và phủ bóng đen lên nền kinh tế của những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu “vàng đen”. Bộ trưởng của các nước trong và ngoài OPEC đã có mặt tại Vienna nhằm tìm cách “vực dậy” và ổn định giá dầu.

Tuy nhiên, sự khác biệt trong nội bộ các nước OPEC khiến việc đạt được đồng thuận để thực hiện những mục tiêu này không dễ. Ngay trước thềm hội nghị tại thủ đô nước Áo, Qatar đã thông báo kế hoạch rút khỏi OPEC vào tháng 1-2019 để tập trung cho lĩnh vực sản xuất khí đốt. Thông tin này khiến các nhà đầu tư lo ngại kế hoạch bình ổn sản lượng dầu mỏ toàn cầu có thể bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Iran với tư cách là thành viên sáng lập và cũng là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 của OPEC tuyên bố không thể tham gia bất kỳ kế hoạch cắt giảm sản lượng nào cho tới khi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đối với nước này. Dù vậy, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh đã bác bỏ khả năng Tehran sẽ theo chân Doha rời khỏi tổ chức này.

Bên cạnh đó, OPEC cần Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia cùng tham gia việc cắt giảm sản lượng dầu với mục tiêu tạo ra hiệu quả đáng kể đối với giá dầu. Trong nhiều năm qua, Mátxcơva đã hợp tác với tổ chức này để khôi phục giá dầu sau đợt giảm mạnh vào năm 2014. Mới đây, Nga và Saudi Arabia đã nhất trí gia hạn thỏa thuận về cắt giảm sản lượng dầu nhằm kiểm soát lượng cung. Tuy nhiên, con số cụ thể và việc phân bổ sản lượng cắt giảm vẫn chưa được các bên tham gia hội nghị nhất trí.

Nỗi lo thừa cung dầu toàn cầu buộc OPEC phải có hành động mạnh mẽ. Mặc khác, khối này cũng chịu sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông chủ Nhà Trắng liên tục kêu gọi không giảm sản lượng khai thác để duy trì giá dầu ở mức thấp. Trong lúc kế hoạch cụ thể vẫn chưa được đưa ra, giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần và chắc chắn thị trường dầu mỏ thế giới sẽ chứng kiến nhiều biến động khó lường khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
OPEC cắt giảm sản lượng dầu mỏ: Biến động khó lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.