Thế giới

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đối tác: Thận trọng điều chỉnh chính sách sản lượng dầu

Thùy Dương 04/10/2023 - 06:43

Nhiều nguồn tin của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đối tác, hay còn gọi là OPEC, đã nhận định rằng, liên minh này khó có thể điều chỉnh chính sách sản lượng dầu hiện tại trong cuộc họp của Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) vào hôm nay (4-10 giờ địa phương).

Trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt hơn, nhu cầu cao thúc đẩy giá dầu tăng và bất chấp những tín hiệu kinh tế lạc quan từ Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, các quốc gia dầu mỏ trong OPEC vẫn tỏ ra thận trọng.

ras-tanura.jpg
Một nhà máy lọc dầu tại Ras Tanura (Saudi Arabia).

Nhiều nguồn tin cho biết, trọng tâm cuộc họp trực tuyến có thể sẽ là thông tin cập nhật dự kiến về kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia và Nga. Bởi sự leo dốc của giá dầu vẫn chịu tác động mạnh bởi lo ngại về nguồn cung thắt chặt sau khi Saudi Arabia và Nga quyết định cắt giảm sản lượng xuống 1,3 triệu thùng/ngày đến hết tháng 12 này.

Mặt khác, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của xứ sở Cờ hoa đã giảm 2,2 triệu thùng, xuống 416,3 triệu thùng, gấp gần 7 lần so với mức dự đoán của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters. Hiroyuki Kikukawa, Chủ tịch NS Trading, một đơn vị của Nissan, cho biết, giá dầu đã bắt đầu tăng mạnh trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung và dự kiến OPEC không thay đổi chính sách, mặc dù việc Chính phủ Mỹ không đóng cửa vào cuối tuần qua đã giúp giảm bớt phần nào.

Theo đó, giá dầu thế giới ngày 2-10 đã tăng trở lại sau nhiều phiên giảm liên tiếp do dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm mạnh. Cụ thể, giá dầu WTI giao dịch ở mức 92,57 USD/thùng, tăng 0,5 USD/ thùng, trong khi đó dầu Brent giao dịch ở mức 96,07 USD/thùng, tăng 0,21 USD/thùng so với đầu giờ sáng 1-10. Cả hai loại dầu “chuẩn” này đều tăng gần 30% trong quý III do dự báo thiếu hụt nguồn cung dầu thô rộng rãi trong quý IV.

Các nhà phân tích nhận định, Saudi Arabia có thể sẽ nới lỏng việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện bổ sung 1 triệu thùng/ngày dù vẫn còn lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, dữ liệu PMI công bố vào cuối tuần qua đã mang lại niềm tin nhất định về nhiều ngành sản xuất của Trung Quốc đã phục hồi trở lại. Hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc đã tăng trưởng lần đầu tiên sau 5 tháng giảm liên tiếp. Dữ liệu này nối tiếp một loạt dấu hiệu gần đây cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đã bắt đầu thoát đáy. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - thước đo được thực hiện thông qua khảo sát các doanh nghiệp sản xuất lớn của Trung Quốc tăng lên mức 50,2 điểm trong tháng 9 từ mức 49,7 điểm trong tháng trước đó, theo số liệu được Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố hôm 30-9.

Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Chủ tịch JMMC, hồi đầu tháng 9 nêu rõ, việc cắt giảm của OPEC là cần thiết để ổn định thị trường. Nhìn về quý IV, các nhà phân tích tại Generali Investments cho rằng, giá dầu tăng là điều không mong muốn nhất vì điều này có thể khiến lạm phát ở Mỹ cao hơn và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Saudi Arabia đã biện minh cho động thái này với lý do thị trường dầu mỏ đang hỗn loạn và nền kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái. Các thành viên OPEC có nguy cơ bị mắc kẹt với lượng dự trữ dư thừa nếu sản xuất không được kiềm chế.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), giá dầu có thể đạt mức 100 USD/thùng, nhưng một loạt yếu tố có thể ngăn cản đà tăng bền vững trên mức đó. Đó là sự gia tăng dự kiến trong sản lượng của các nước ngoài OPEC, bên cạnh nhu cầu tăng nguồn cung của Nga để bổ sung nguồn thu. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ chậm lại do lãi suất, vốn đang khá cao ở các nền kinh tế lớn của phương Tây, tiếp tục tăng. Việc giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/ thùng trong thời gian dài có thể làm tăng mối lo ngại về lạm phát đối với các chính phủ đã tăng lãi suất để chống lại tình trạng giá cả tăng cao khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Các quyết định về sản lượng của OPEC trong thời điểm này sẽ rất nhạy cảm với thị trường, có thể sẽ tác động mạnh đến giá dầu. Paul Gambles, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại MBMG Family Office Group chia sẻ trên CNBC: “Giá dầu thời gian tới thực sự vẫn còn là một ẩn số. Và những gì đang diễn ra, chúng ta có thể rơi vào tình huống nhu cầu dầu giảm nhưng giá vẫn có thể tiếp tục tăng cao hơn do hạn chế nguồn cung”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đối tác: Thận trọng điều chỉnh chính sách sản lượng dầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.