Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực đáng ghi nhận

Minh Hiếu| 16/09/2018 07:42

(HNM) - Vấn đề cấp bách hiện nay là tìm kiếm giải pháp cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), giúp tổ chức này có thể đáp ứng tốt hơn trước những thách thức mà thương mại đang phải đối mặt...

Bộ trưởng thương mại và đầu tư G20 nhất trí thúc đẩy cải tổ WTO.


Tại các phiên họp do Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Jorge Faurie và Bộ trưởng Sản xuất và Lao động Argentina Dante Sica đồng chủ trì, các đại biểu thảo luận về cách thức đạt được một hệ thống thương mại bao quát hơn, đóng góp cho sự phát triển công bằng và bền vững. Văn kiện cuối cùng của kỳ họp nhấn mạnh vai trò của G20 như một nền tảng cho đối thoại chính trị giữa các nước thành viên, đồng thời chỉ rõ sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực để bảo đảm nguồn lợi từ thương mại và đầu tư quốc tế được chia sẻ công bằng. Các nước thành viên G20 cũng thừa nhận sự cần thiết phải thảo luận về phát triển thương mại quốc tế và cách thức để cải thiện WTO trước những thách thức hiện tại và tương lai, trong đó nhấn mạnh cần chỉ ra những vấn đề gì cần phải đổi mới và những gì cần phải tiếp tục phát huy.

Việc cải tổ WTO đã nhiều lần được các quốc gia đặt ra. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút nước này khỏi tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 13-9 cho rằng hệ thống thương mại thế giới hiện nay không hoàn hảo và Trung Quốc ủng hộ cải cách hệ thống này, bao gồm WTO, theo hướng công bằng và hiệu quả hơn. Tháng 8 vừa qua, các quan chức thương mại Canada đưa ra dự thảo đề xuất củng cố và hiện đại hóa WTO nhằm khôi phục lòng tin vào hệ thống thương mại đa phương và ngăn chặn các biện pháp bảo hộ. Những nội dung chính trong quá trình cải tổ là khôi phục hiệu quả hoạt động của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO và cải thiện khả năng theo dõi các hoạt động thực tiễn của thương mại quốc tế thế kỷ XXI.

Song vấn đề cải cách WTO vô cùng phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực. 164 thành viên tổ chức này khó lòng tạo sự ràng buộc mới hoặc thay đổi cơ chế trong thời gian ngắn sau hơn 2 thập kỷ hoạt động. WTO vận hành theo nguyên tắc đồng thuận phủ quyết và việc đạt được thỏa thuận thay đổi về quy tắc hoạt động của nó gần như là không thể. Một khó khăn khác là việc chính quyền Tổng thống D.Trump từ chối bổ nhiệm và tái bổ nhiệm các thành viên của cơ quan phúc thẩm, những người có tiếng nói cuối cùng trong việc duy trì, sửa đổi hoặc đảo ngược các phán quyết của WTO. Nếu tình trạng không được cải thiện, hoạt động của tổ chức này có nguy cơ bị đóng băng vào cuối năm 2019 do chỉ còn một trong số 7 thẩm phán còn nhiệm kỳ.

Bởi vậy, việc các đại biểu nhất trí nhu cầu cấp bách cải tổ WTO là một nỗ lực đáng ghi nhận. Đây là lần đầu tiên đại diện Mỹ đồng thuận về vấn đề này, qua đó giúp cho G20 đưa ra được một tuyên bố cấp bộ trưởng. Điều đó càng có ý nghĩa trong bối cảnh các tranh chấp thương mại quốc tế chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi Tổng thống Mỹ D.Trump vừa đe dọa sớm áp mức thuế trị giá 200 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc, hay những bế tắc trong quá trình đàm phán giữa Mỹ và Canada về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vẫn chưa được khơi thông dù thời hạn chót mà hai bên đặt ra vào cuối tháng 8 đã bị bỏ lỡ.

Các nhà phân tích nhận định, những nguyên tắc cơ bản của WTO như phản đối chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ tự do thương mại là yếu tố cốt lõi phải duy trì, song cần có những thay đổi về hiệu quả vận hành và đòi hỏi các bên tiếp tục kiên nhẫn thực hiện từng bước. Sự đồng thuận của các nước đạt được tại cuộc họp vừa qua là tiền đề quan trọng cho các cuộc thảo luận về thương mại đa phương trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires vào cuối năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đáng ghi nhận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.