Cuộc họp trực tuyến hôm 17-4 vừa qua giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc, lần đầu tiên sau gần 18 tháng, là biểu hiện thời sự nhất về nét đặc thù chi phối toàn bộ mối quan hệ giữa hai nước này.
Đó là dẫu có làm găng với nhau đến mấy thì hai bên vẫn phải duy trì đối thoại, trao đổi trực tiếp cấp cao với nhau. Thực chất ở đây là níu kéo lẫn nhau không vượt quá giới hạn trong suy tính chiến lược và không để bị mất sự kiểm soát tình hình trong hành động cụ thể.
Trong nhiều năm gần đây, mối quan hệ song phương này bị xấu đi đáng kể. Tình hình quan hệ song phương trở nên thật sự nghiêm trọng hơn khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan (Trung Quốc) hồi mùa hè năm 2022. Trung Quốc phản ứng bằng việc ngưng trệ gần như hoàn toàn hoạt động của kênh liên lạc trực tiếp giữa giới quân sự hai nước. Hoạt động bình thường của kênh này bây giờ mới được khôi phục lại.
Có hai lý do chính khiến Mỹ và Trung Quốc phải cùng nhau làm vậy. Thứ nhất, Trung Quốc và Mỹ đối địch chứ không thù địch nhau. Trung Quốc và Mỹ không những chỉ lệ thuộc lẫn nhau mà còn lệ thuộc lẫn nhau với mức độ ngày càng tăng chứ hai bên không thể tách rời, biệt lập nhau. Hai bên có găng nhau đến mấy cũng không dám xô đẩy nhau đến chỗ đổ vỡ quan hệ song phương. Cả hai luôn phải coi sự đổ vỡ của quan hệ song phương là giới hạn không dám bước qua.
Vì thế, khi nhận thấy xuất hiện nguy cơ diễn biến tình hình có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của hai bên hoặc khi hành động cụ thể của bên này đã bắt đầu có thể đẩy hoặc buộc bên kia phải phản ứng thái quá vì nhu cầu đối nội và đối ngoại thì sẽ có bên chủ động "cài số lùi" và vận động, thuyết phục, níu kéo bên kia cũng “rút củi đáy nồi”.
Thứ hai, hiện tại là một thời điểm dễ dẫn đến mất kiểm soát ở bên này hay bên kia. Từ sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Nancy Pelosi, phía Trung Quốc hành động quân sự dồn dập, mạnh mẽ và quyết liệt như chưa từng thấy ở khu vực vùng biển xung quanh Đài Loan (Trung Quốc) và ở vùng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Philippines trong khu vực Biển Đông.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Australia cũng có những bước tiến xa bất ngờ với tác động mạnh mẽ và sâu rộng mang tính chiến lược về chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng. Các nước này không chỉ tiến hành tuần tra hải quân chung ở khu vực Biển Đông mà còn tập trận hải quân chung ở ngay sát vùng lãnh thổ biển mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Philippines.
Ngoài ra, Mỹ còn thành lập hẳn liên minh an ninh ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc, co cụm chiến lược ba bên với Nhật Bản và Philippines. Mỹ nâng cấp quan hệ đồng minh với Nhật Bản lên tột đỉnh và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương về quân sự, quốc phòng, an ninh với Philippines. Không kể, Mỹ cũng cổ súy mạnh mẽ cho Philippines tăng cường rõ rệt quan hệ hợp tác quốc phòng song phương với Nhật Bản và Australia.
Đối với Trung Quốc, những động thái này cả về biểu hiện ra bên ngoài lẫn trong thực chất đều chẳng khác gì Mỹ cùng các đối tác nói trên bài binh bố trận cũng như bố trí chiến lược để cùng đối phó Trung Quốc ở khu vực Đông Bắc Á, ở khu vực Biển Đông và ở khắp vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên phải cùng lùi để ngăn cản bên này hay bên kia đi quá xa.
Nối lại đối thoại quốc phòng ở cấp cao rõ ràng chưa đủ để dập các đám cháy, nhưng giúp không để xảy ra đại hỏa hoạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.