Luận đàm thời sự

Lối rẽ về bất định

Đại sứ Trần Đức Mậu 16/04/2024 - 08:02

Nước Mỹ đã lập nên tiền lệ chính trị và pháp lý mới với hậu quả cũng như hệ lụy hiện chưa thể lường hết được đối với tương lai chính trị, ổn định xã hội, tính công bằng, khách quan của luật pháp.

Vào sáng 15-4 (theo giờ New York, Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phải ra hầu tòa - cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một cựu tổng thống bị tòa án đưa ra xét xử - về những cáo buộc mang tính chất hình sự.

Vụ xét xử này liên quan đến cáo buộc ông D.Trump trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã làm giả giấy tờ, chứng từ và sổ sách kế toán để che giấu khoản chi cho một nữ diễn viên; qua đó, người này giữ kín việc có quan hệ tình ái với ông D.Trump.

Ông D.Trump quả quyết mình vô tội nhưng xác nhận có khoản chi này. Chứng cứ đã rất rõ ràng và cứ theo đó, ông D.Trump không thể tránh khỏi bị tòa kết tội từ án treo đến ngồi tù nhiều năm. Nhưng, bồi thẩm đoàn có dựa trên chứng cứ để đưa ra phán xử hay không lại là chuyện khác.

Vụ xét xử này được dư luận và cử tri ở Mỹ rất quan tâm. Nó là một trong tổng số 4 vụ xét xử hình sự mà ông D.Trump là bị cáo và là vụ duy nhất có nhiều khả năng kết thúc trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống mới năm nay ở nước Mỹ vào đầu tháng 11 tới.

Trong khi đó, ông D.Trump lại là ứng cử viên tổng thống của phe đảng Cộng hòa và đeo đuổi ước vọng vinh quang trở lại Nhà Trắng sau khi thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Theo luật pháp hiện hành của nước Mỹ, kể cả khi bị tòa án kết tội ngồi tù thì ứng cử viên này vẫn có thể tiếp tục vận động tranh cử và cầm quyền nếu đắc cử. Cho nên, điều mà dư luận và cử tri ở Mỹ cũng như thế giới bên ngoài lưu tâm là diễn biến và kết cục của vụ xét xử này tác động như thế nào tới diễn biến của cuộc vận động tranh cử và kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới?

Đội ngũ luật sư của ông D.Trump và phe đảng Cộng hòa đã tìm mọi cách để ngăn cản tòa án thụ lý vụ việc, để trì hoãn việc tòa đưa vụ việc ra xét xử và để kéo dài vụ xét xử ra sau ngày bầu cử tổng thống tới (5-11) nhưng đã thất bại. Phe này ý thức được rằng vụ xét xử tác động tiêu cực tới tâm lý của cử tri ở nước Mỹ.

Cái lợi đối với ông D.Trump là càng bị phía tư pháp "sờ gáy" thì ông càng củng cố được bộ phận cử tri vốn luôn trung thành với mình và luôn ủng hộ mình cũng như càng dễ đoàn kết thống nhất nội bộ phe đảng Cộng hòa. Song cái bất lợi có thể còn lớn hơn nhiều vì bất kể tòa án cuối cùng rồi sẽ đưa ra phán quyết thế nào thì ông D.Trump vẫn bị tai tiếng nặng nề, không thể tranh thủ được bộ phận cử tri trung dung và bộ phận cử tri vốn xưa nay luôn ủng hộ tổng thống đương nhiệm Joe Biden thuộc phe đảng Dân chủ.

Vấn đề đối với ứng cử viên đảng Cộng hòa này thực chất là hai bộ phận cử tri trên có bỏ phiếu bầu ông J.Biden hay không mà thôi. Nếu trắng án thì ông D.Trump sẽ tăng cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Nếu bị tòa kết tội thì khả năng đắc cử của ông D.Trump lại phụ thuộc vào việc ông J.Biden có chinh phục được hai diện cử tri trên hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lối rẽ về bất định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.