Luận đàm thời sự

Liên thủ đối tác xa

Đại sứ Trần Đức Mậu 23/04/2024 - 07:30

Mới đây, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đã có chuyến thăm Philippines. Chuyến đi được coi là làm rõ chiến lược ngoại giao của Philippines hiện nay cũng như thời gian tới.

Với New Zealand, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos có thêm được mắt xích mới trong mạng lưới những mối liên minh, liên kết hoặc liên thủ về chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trước đó, Philippines đã có những đối tác, như: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Pháp. Với Mỹ và Australia, Philippines đều đã ký kết thỏa thuận hợp tác về an ninh, quân sự và quốc phòng. Với Nhật Bản và Pháp, tiến trình đàm phán đang được hai phía thúc đẩy. Với Hàn Quốc và Nhật Bản, Philippines cũng đang hướng tới thỏa thuận tương tự.

Cùng với các thỏa thuận song phương trên lĩnh vực này, Philippines và Mỹ, Nhật Bản hình thành liên kết ba bên về an ninh, quân sự và quốc phòng. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang cố gắng gây dựng khuôn khổ hợp tác ba bên tương tự giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Trong thời gian vừa qua, khu vực vùng biển xung quanh Philippines ở Biển Đông liên tục diễn ra nhiều cuộc tập trận hải quân chung và tuần tra hải quân chung giữa các đối tác nói trên. Bây giờ có thêm New Zealand tham gia cuộc chơi.

Hai mục tiêu mà ông Ferdinand Marcos theo đuổi với việc gấp rút gây dựng mạng lưới các mối quan hệ liên minh, liên kết hay liên thủ song phương cũng như các mối quan hệ nhiều bên về an ninh, quân sự và quốc phòng cũng đã được xác định rõ.

Thứ nhất là tăng cường sự hậu thuẫn của các đối tác bên ngoài để tăng thế và lực trong chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông.

Thứ hai là gây dựng vị thế và vai trò trên cùng lĩnh vực này cho Philippines ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đối với Philippines, New Zealand chỉ là đối tác nhỏ nhưng thêm lượng ở đây giúp tăng chất thực sự.

Bởi thế, chuyến thăm Philippines vừa rồi của Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đã tạo dấu mốc quan trọng mới cho mối quan hệ giữa hai nước khi ông Luxon và ông Marcos tuyên bố ngay trong năm 2024 này sẽ ký kết Thỏa thuận về hỗ trợ hậu cần giữa hai bên.

Đồng thời, hai bên sẽ kết thúc đàm phán về hiệp định cho phép quân đội nước này được hiện diện luân phiên trên lãnh thổ của nước kia - như Philippines đã ký kết với Mỹ và Australia, đang đàm phán với Nhật Bản và Pháp. Trên phương diện này, New Zealand là đồng minh của Mỹ và Australia, liên kết chặt chẽ với Nhật Bản. Vì thế, sự liên thủ giữa Philippines và New Zealand có thể dễ dàng trở thành bộ phận hữu cơ trong tổng thể các mối quan hệ đồng minh, liên kết và liên thủ đã hoặc sắp hình thành nói trên. Liên thủ với New Zealand như thế, Philippines có nền tảng và điều kiện thuận lợi hơn tất cả các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á trong việc vươn ra xa, tới khu vực Nam Thái Bình Dương.

Đối với New Zealand, Philippines là đối tác lý tưởng để liên kết nhằm vươn tới khu vực Đông Á. Đảo quốc này đang tìm cách thích hợp nhất để hợp tác với Liên minh an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS), thậm chí còn tính đến cả việc sẽ tham gia AUKUS trong tương lai. Liên thủ như thế với Philippines đem lại lợi đơn ích kép cho New Zealand.

Philippines là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhưng dường như lại coi trọng và ưu tiên hợp tác về chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng với các đối tác ở bên ngoài khu vực Đông Nam Á. Nếu đúng như thế thì New Zealand chắc chắn không phải là đối tác xa cuối cùng mà ông Ferdinand Marcos muốn liên thủ trong nhiệm kỳ tổng thống Philippines của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên thủ đối tác xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.