Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Quỳnh Dương| 08/03/2023 07:08

(HNM) - Sau những cú sốc mang tính hệ thống tác động mạnh đến nhiều quốc gia cùng một lúc, bao gồm đại dịch Covid-19, thảm họa thiên tai, xung đột tại Ukraine..., mức nợ của chính phủ tính theo tỷ trọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Điều này có nghĩa, nguy cơ một cuộc khủng hoảng nợ đang lớn dần khi một số quốc gia đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, qua đó đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.

Nợ công gia tăng đang cản trở mục tiêu phát triển bền vững của một số nước châu Phi.

Theo Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner, thế giới đang đối mặt hàng loạt khủng hoảng do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá lương thực và nhiên liệu tăng. Trong khi đó, lạm phát cũng đẩy chi phí lãi suất cho vay lên cao khiến các quốc gia phải vật lộn để theo kịp các khoản thanh toán nợ. Đây là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia đang nỗ lực ổn định khả năng tài chính sau đại dịch Covid-19 và làm chậm lại lộ trình hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững cũng như các hành động chống biến đổi khí hậu. Do đó, UNDP kêu gọi cộng đồng quốc tế xóa 30% nợ nước ngoài phát sinh trong năm 2021 cho 52 nước đang đối mặt với khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Cũng về vấn đề này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, nợ nước ngoài của các nước nghèo đã tăng mạnh trong thập kỷ qua, đặc biệt trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt. Một số nước châu Phi như Nigeria, Mali và Burkina Faso đã mất tới 20 năm phát triển. Và trên khắp thế giới, một cuộc khủng hoảng nợ đang gia tăng, đe dọa khả năng đầu tư của các nước đang phát triển vào dịch vụ và cơ sở hạ tầng.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, hiện các khoản nợ song phương chính thức mà những nước nghèo nhất thế giới phải trả đã tăng 35% so với năm 2021. Như vậy, các chính phủ sẽ phải trả thêm 1.100 tỷ USD cho tổng nợ toàn cầu vào năm 2023. Số tiền này cao gấp hơn 4 lần khoản đầu tư ước tính hằng năm là 250 tỷ USD cho việc thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu một nền kinh tế đang phát triển đi vay với lãi suất 12-14% và dành hơn 20% thu nhập mỗi năm chỉ để trả nợ thì cơ hội đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển hầu như bị đóng băng.

Trong bối cảnh mức nợ toàn cầu lớn hơn khá nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007-2008, UNDP đang tích cực hối thúc các nước giải quyết những vấn đề liên quan khoảng cách ngày càng lớn giữa các nước giàu và nước nghèo, thay đổi cục diện đa phương và tạo ra một cấu trúc nợ phù hợp. Tuy nhiên, mức độ hợp tác quốc tế lại đang chứng kiến những tín hiệu giảm sút.

Tại Mỹ, Quốc hội đang gặp nhiều khó khăn để có thể thông qua đề xuất mở rộng các nguồn lực cần thiết của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ ở các nước đang phát triển. Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chưa đưa ra được kết quả khả thi sau hội nghị các ngoại trưởng vừa được tổ chức tại New Delhi (Ấn Độ). Bên cạnh đó, mối quan hệ căng thẳng giữa các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu (EU) cũng khiến cho nỗ lực tìm kiếm một tiếng nói chung để giải quyết những nguy cơ về nợ công đang ngày một lớn dần.

Các chuyên gia tài chính phân tích, những yếu tố có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng có thể bắt nguồn từ nguy cơ vỡ nợ tại một hoặc nhiều quốc gia đang phát triển hay sự sụp đổ của các tập đoàn lớn. Thực tế cho thấy, nếu không có các biện pháp khẩn cấp, nhiều quốc gia sẽ đối mặt tình trạng nợ nần, thậm chí là vỡ nợ, từ đó ảnh hưởng đến các dự án chống đói nghèo, chuyển đổi năng lượng, giảm biến đổi khí hậu... Đáng nói hơn, mục tiêu cùng phát triển bền vững của thế giới có nguy cơ bị sa lầy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ vỡ nợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.