Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng một tương lai tươi sáng

Thùy Dương| 17/05/2018 06:23

(HNM) - NgườI dân Iraq vừa đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên kể từ khi quốc gia Trung Đông này tuyên bố giành chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).


Theo kết quả sơ bộ do Ủy ban Bầu cử Iraq công bố, với 95% số phiếu bầu được kiểm tại 16 trong 18 tỉnh của Iraq, liên minh của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr đang dẫn đầu. Giáo sĩ al-Sadr nhận được sự ủng hộ từ nhiều thành phần xã hội, trong đó có giới trẻ và dân nghèo.

Đứng thứ hai là liên minh al-Fath của ông Hadi al-Ameri, thủ lĩnh lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi của người Shiite, từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq. Liên minh của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đứng thứ ba.

Người dân Iraq hy vọng cuộc bầu cử sẽ mở ra trang mới cho đất nước.


Được dư luận quốc tế quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng, thế nhưng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên tại Iraq sau khi nước này đánh bại IS đã không thu hút được nhiều sự quan tâm của cử tri nước này. Theo Ủy ban Bầu cử Iraq, chưa đến một nửa trong tổng số hơn 24 triệu cử tri đủ tư cách đã đi bỏ phiếu, mức thấp nhất kể từ năm 2005, bất chấp cuộc bầu cử này có ý nghĩa rất lớn trong việc hàn gắn những rạn nứt sâu sắc ở Iraq và có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.

Thủ tướng Haider al-Abadi là người quyết tâm tổ chức cuộc bầu cử đúng theo kế hoạch bất chấp sự phản đối từ một số chính đảng. Tuy nhiên, ông al-Abadi đã không giành được sự ủng hộ cao của cử tri Iraq dù vị thế của ông được cải thiện sau thành công của cuộc chiến chống khủng bố.

Nhiều cử tri người Kurd không ủng hộ Thủ tướng al-Abadi sau cuộc khủng hoảng chính trị năm ngoái đã dẫn tới việc Baghdad đóng cửa các sân bay của người Kurd và giành quyền kiểm soát đất đai khi đó thuộc về khu bán tự trị.

Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh cuộc bầu cử Quốc hội tại Iraq. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, các thành viên mới của Quốc hội Iraq sẽ đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng, đó là thành lập một chính phủ bao gồm tất cả các phái và đáp ứng nhu cầu của toàn thể người dân Iraq. Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ bày tỏ hy vọng tiến trình này sẽ diễn ra nhanh chóng và hợp hiến để Iraq có thể tiến tới một tương lai tươi sáng, thịnh vượng và an ninh hơn.

Tuy vậy, con đường để tiến tới hòa bình và ổn định của quốc gia Trung Đông này cũng đối mặt với không ít thách thức. Theo giới quan sát, một liên minh chính trị mới có thể sẽ được thành lập, thậm chí giữa các nhóm tôn giáo khác nhau, vì có thể không có đảng nào giành được đa số trong cuộc tổng tuyển cử.

Khi đó, chính trường Iraq sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn, trước khi lựa chọn được vị trí người đứng đầu. Ngoài những lợi ích xung đột giữa các đảng phái chính trị tại Iraq, các cường quốc đang cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử để bảo đảm lợi ích của mình.

Bên cạnh đó, dù tình hình an ninh được cải thiện nhưng cuộc sống của người dân Iraq vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi cơ sở hạ tầng bị phá hoại nghiêm trọng sau các cuộc giao tranh. Hiện hàng triệu người dân sơ tán vẫn chưa có nhà cửa để ở.

Chính vì vậy, tái thiết đất nước, cải thiện nền kinh tế và chống tham nhũng được cho là những ưu tiên mà cử tri Iraq đặt niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo mới. Khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng các cử tri Iraq vẫn hy vọng cuộc bầu cử lần này sẽ mở ra trang mới cho đất nước vốn chịu nhiều bất ổn do xung đột và giao tranh triền miên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng một tương lai tươi sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.