Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tới nước láng giềng Iraq vào hôm nay (22-4) - chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên sau nhiều năm.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan dự kiến gặp Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani và Tổng thống Abdel Latif Rashid tại Baghdad trước khi đến thăm Arbil, thủ phủ của Khu tự trị Kurdistan phía Bắc Iraq.
“Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ lịch sử và có những điểm tương đồng, lợi ích và cơ hội, nhưng cũng có nhiều vấn đề", Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani nói trong một sự kiện bên lề chuyến thăm Washington (Mỹ) gần đây.
Chuyến công du của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực ngày càng gia tăng, được thúc đẩy bởi cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza và các cuộc tấn công giữa Israel và Iran.
Farhad Alaaldin, cố vấn đối ngoại của ông Sudani nói với AFP rằng, các chủ đề chính mà ông Erdogan sẽ thảo luận với các quan chức Iraq gồm "đầu tư, thương mại, các khía cạnh an ninh trong hợp tác giữa hai nước, quản lý nước và tài nguyên nước".
Việc chia sẻ tài nguyên nước là một điểm gây tranh cãi lớn, trong đó Baghdad chỉ trích các con đập ở thượng nguồn do Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng trên sông Tigris và Euphrates chung của hai nước, khiến tình trạng khan hiếm nước ở Iraq trở nên trầm trọng hơn. Ông Erdogan cho biết vấn đề nước sẽ là "một trong những điểm quan trọng nhất" trong chuyến thăm của ông sau "các yêu cầu" từ phía Iraq.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực giải quyết, đó cũng là mong muốn của họ”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ.
Đại sứ Iraq tại Thổ Nhĩ Kỳ Majid al-Lajmawi cho biết, ông hy vọng sẽ có “tiến bộ trong các vấn đề về nguồn nước và năng lượng cũng như trong quá trình nối lại hoạt động xuất khẩu dầu của Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ”. Đại sứ cũng mong đợi việc ký kết “thỏa thuận khung chiến lược” về an ninh, kinh tế.
Ngoài ra, trong chương trình nghị sự còn có dự án đường bộ và đường sắt trị giá 17 tỷ USD được gọi là "Tuyến đường phát triển", dự kiến sẽ củng cố mối quan hệ kinh tế giữa hai nước láng giềng. Trải dài 1.200km trên khắp Iraq, dự án này nhằm mục đích kết nối biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ đến vùng Vịnh ở phía Nam vào năm 2030.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.