Theo Reuters ngày 16-4, trong các cuộc gặp ở Washington, Thủ tướng Iraq đã kêu gọi kiềm chế ở Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel.
“Chúng tôi khuyến khích mọi nỗ lực ngăn chặn việc mở rộng khu vực xung đột, đặc biệt là diễn biến mới nhất”, Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani nói tại Nhà Trắng khi bắt đầu cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden .
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Israel - đồng minh thân thiết của Mỹ đang cân nhắc phản ứng trước cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran, trong khi Mỹ và châu Âu kêu gọi kiềm chế.
Iraq là đồng minh hiếm hoi của cả Washington và Tehran. Không phận Iraq là tuyến đường chính cho cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo của Iran nhằm vào Israel. Các quan chức Iraq cho biết, Iran đã thông báo cho Baghdad cũng như các nước khác trong khu vực về cuộc tấn công.
Thủ tướng Al-Sudani đang dẫn đầu một phái đoàn Iraq thăm Washington từ ngày 15-4.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Iraq nêu rõ: “Trên tinh thần hợp tác, quan điểm có thể khác nhau về những gì đang xảy ra trong khu vực, nhưng chúng tôi nhất trí chắc chắn về luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế, trách nhiệm bảo vệ và luật chiến tranh. Đồng thời, chúng tôi phản đối mọi hành vi đàn áp chống lại dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, cũng như khuyến khích cam kết tôn trọng các chuẩn mực quốc tế và ngoại giao”.
Tổng thống Joe Biden cho biết, Washington cam kết đảm bảo an ninh của Israel và chấm dứt giao tranh ở Gaza.
“Chúng tôi cam kết ngừng bắn để đưa các con tin về nhà và ngăn chặn xung đột lan rộng ra ngoài những gì nó đã có”, ông Joe Biden nói thêm: “Mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Iraq rất quan trọng”, đồng thời lưu ý những nỗ lực chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và thỏa thuận chiến lược quan trọng của hai quốc gia.
Phó Thủ tướng Muhammad Ali Tamim, người đồng chủ trì cuộc họp của Ủy ban điều phối cấp cao Mỹ - Iraq với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Iraq lo ngại về việc nước này "bị kéo vào một cuộc chiến tranh rộng hơn sẽ đe dọa an ninh và an toàn quốc tế".
“Do đó, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tự kiềm chế và tôn trọng các quy tắc của công tác ngoại giao cũng như luật pháp quốc tế”, ông Ali Tamim nhấn mạnh.
Các quan chức phương Tây hoan nghênh các kế hoạch cải cách kinh tế do Thủ tướng Iraq đưa ra, nhưng vẫn lo ngại về ảnh hưởng của các nhóm được Iran hậu thuẫn. Thời gian gần đây, nhóm vũ trang Hồi giáo Shi'ite đã tham gia các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” vào lực lượng Mỹ có liên quan đến cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Mỹ hiện có 2.500 quân ở Iraq để hỗ trợ các lực lượng địa phương ngăn chặn sự trỗi dậy của IS, vào năm 2014 đã chiếm giữ phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria trước khi bị đánh bại.
Tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, cả hai nước đều đồng ý "về sự cần thiết phải chuyển sang mối quan hệ an ninh song phương lâu dài" và cho biết, các nhà lãnh đạo quân sự đang tiến hành đánh giá để đàm phán về khả năng giảm quân số của Mỹ ở Iraq.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.