(HNM) - Hà Nội có gần 6.000 di tích, lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể có giá trị hàng nghìn năm lịch sử. Tự hào về số lượng di tích lớn, nhưng thành phố cũng đang phải đối mặt với khó khăn trong công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp.
Đợt khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, bên cạnh sự quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách, cần có giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong huy động nguồn lực cho công tác này.
Khó khăn về nguồn lực
Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, trong tổng số 5.922 di tích trên địa bàn, có đến 2.435 di tích được xếp hạng các cấp. Tuy nhiên, hiện 727 di tích đã xuống cấp các hạng mục chính và 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm. Dù đã rất cố gắng, nhưng từ năm 2016 đến nay, mới có khoảng 319 lượt di tích được tu bổ, chống xuống cấp. Thành phố cũng đã phân cấp quản lý nhà nước đối với các di tích. Theo đó, cấp thành phố quản lý các di tích quan trọng đặc biệt (10 di tích), còn lại các quận, huyện, thị xã quản lý.
Tuy vậy, cũng do việc phân cấp cho các quận, huyện, thị xã nên ở một số huyện, do nguồn lực có hạn không bảo đảm được cho công tác tu bổ, chống xuống cấp. Trong đó, Chương Mỹ là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, huyện có 374 di tích, số di tích xuống cấp chiếm hơn 55%. Thời gian qua, huyện mới bố trí nguồn ngân sách và kêu gọi xã hội hóa tu bổ, tôn tạo được 17 di tích.
Tương tự, huyện Phú Xuyên có 345 di tích, trong đó nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng như: Đình Cổ Chế (xã Phúc Tiến), đình Thần Quy (xã Minh Tân), đình Nam Phú (xã Nam Phong)... “Cố gắng lắm, giai đoạn 2016-2019, huyện mới bố trí nguồn vốn để tu sửa, tôn tạo được 20 di tích. Hiện tại, trên địa bàn huyện còn nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sập đổ cao, cần phải đưa vào danh mục tôn tạo, bảo tồn cấp bách, nhưng nguồn lực của địa phương chưa bố trí được”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành bày tỏ.
Khác với các huyện, ở nội thành, nguồn vốn tôn tạo, tu bổ di tích không quá khó khăn, nhưng việc này lại thường mang tính tự phát, do người trông nom, trụ trì kêu gọi nguồn xã hội hóa để thực hiện, dẫn đến nhiều trường hợp chất lượng không bảo đảm, có trường hợp phá vỡ kiến trúc cổ cần bảo tồn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng tiền công đức, tiền đóng góp của khách thập phương chưa được công khai, minh bạch, phần nào ảnh hưởng đến công tác huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích.
Tích cực kêu gọi xã hội hóa
Đại biểu chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Hương cho biết, qua khảo sát cho thấy, việc thiếu kinh phí dành cho tu bổ, tôn tạo di tích khá phổ biến ở các huyện, thị xã. Do công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu những chính sách để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nên việc tôn tạo, tu bổ đều trông chờ vào nguồn ngân sách địa phương, bố trí được thì tôn tạo, không bố trí được thì đợi...
Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, kinh nghiệm của Tây Hồ là không thể trông chờ từ nguồn ngân sách, mà phải tự vận động, kêu gọi các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo di tích. Bên cạnh đó, công tác kê khai hiện vật ở các di tích cũng rất quan trọng nhưng chưa được nhiều nơi quan tâm, vì giá trị của di tích nằm ở hiện vật. “Quận Tây Hồ mất 10 năm mới kê khai hết hiện vật của 71 di tích trên địa bàn. Vì thế, cần sớm thực hiện việc kê khai, bảo quản, phục hồi hiện vật ở các di tích, tiến tới số hóa các hiện vật để khi xảy ra rủi ro có thể phục chế”, ông Nguyễn Văn Thắng kiến nghị.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho rằng, bên cạnh bố trí nguồn ngân sách và chủ động kêu gọi xã hội hóa trong công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, UBND các quận, huyện, thị xã cần sớm chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin hoàn thành công tác kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn. Qua đó làm cơ sở xây dựng các kế hoạch hoạt động nghiệp vụ như xếp hạng, cắm mốc giới, sưu tầm bổ sung hồ sơ tư liệu di tích, tu bổ, tôn tạo di tích và các hoạt động phát huy giá trị; gắn kết việc bảo tồn di tích với phát triển du lịch.
Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao sớm tham mưu với UBND thành phố kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn về công tác quản lý nguồn công đức tại các di tích, nhằm bảo đảm quản lý thu - chi từ nguồn công đức được thực hiện minh bạch, hiệu quả, đóng góp vào công tác tu bổ các di tích. Cùng với đó, cần rà soát, lập danh sách các di tích xuống cấp theo thứ tự ưu tiên; quan tâm bố trí kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn (2019-2021) và những năm tiếp theo. Trong đó, ưu tiên di tích xuống cấp nghiêm trọng, di tích có tiềm năng phát triển du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.