Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa văn học nhà trường lên sân khấu: Sức sống mới cho sáng tạo nghệ thuật

An Nhi| 07/05/2023 06:12

(HNM) - Nhằm giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ tác phẩm văn học trong chương trình giáo dục phổ thông, theo đề án của UBND thành phố Hà Nội, các đơn vị nghệ thuật sân khấu Thủ đô đã và đang sôi nổi dàn dựng tác phẩm để sẵn sàng đưa đến trường học trong năm học tới. Không chỉ tăng cường giáo dục nghệ thuật, giúp học sinh cảm thụ văn học tốt hơn, hoạt động này còn đem lại sức sống mới cho sáng tạo nghệ thuật Thủ đô.

Vở diễn “Cánh diều làng Vũ Đại” của Nhà hát Chèo Hà Nội được lấy cảm hứng từ tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao.

Từ sách giáo khoa... lên sân khấu

Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030” được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đã tạo nguồn cảm hứng sáng tạo mới trên khắp các sân khấu Thủ đô. Các nhà hát nghệ thuật đều háo hức đưa những nhân vật, câu chuyện từ sách giáo khoa lên sân khấu.

Những ngày này, Nhà hát Kịch Hà Nội sôi nổi tập luyện vở “Tinh thần thể dục” được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan, do Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu viết kịch bản và đạo diễn. Vở diễn hóa giải được những nét dí dỏm, hài hước, sâu cay của tác phẩm nhằm đả kích chế độ thực dân phong kiến mục nát. Nhà hát này còn có “vốn liếng” vở diễn chuyển thể tác phẩm văn học như “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” lấy cảm hứng từ kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du hay vở “Hà thành chính khí” về Tổng đốc Hoàng Diệu hứa hẹn mang đến trải nghiệm đặc biệt cho các em học sinh…

Phỏng theo tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, vở diễn “Cánh diều làng Vũ Đại” của Nhà hát Chèo Hà Nội vừa ra mắt khán giả hồi tháng 4, đã tạo ấn tượng với khán giả Thủ đô. Vở diễn được dàn dựng với chủ đích tham gia đề án của thành phố, do Nghệ sĩ ưu tú Lê Tuấn đạo diễn, khéo léo lồng ghép chất bi và chất hài để khán giả hòa vào câu chuyện, thấm thía thông điệp. Nhà hát cũng đang lên sàn vở “Chuyện thằng Bờm” hướng đến học sinh tiểu học và dự kiến ra mắt dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6. Cùng với đó, nhà hát cũng chuẩn bị các trích đoạn trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính” hay các vở diễn chuyển thể truyện cổ tích “Thạch Sanh”, “Tấm Cám”... để tham gia đề án.

Từ nhiều năm nay, Sân khấu Lệ Ngọc - đơn vị nghệ thuật xã hội hóa hàng đầu của Thủ đô, đã có nhiều vở diễn chuyển thể từ tác phẩm trong sách giáo khoa ăn khách. Cũng lấy cảm hứng từ tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, vở “Thị Nở - Chí Phèo” của đơn vị này diễn 200 suất liên tục “cháy vé”. Sân khấu Lệ Ngọc còn có vở “Dế Mèn”, “Tấm Cám” và mới nhất là vở “Vang bóng một thời” với trung tâm là tác phẩm “Chữ người tử tù”, được làm chỉn chu và hợp với khán giả học sinh.

Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng sẵn sàng hai vở từ truyện cổ tích “Tấm Cám”, “Thạch Sanh” để phục vụ các trường học. Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đang có kế hoạch dàn dựng mới và phục dựng nhiều vở diễn lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học trong sách giáo khoa.

Diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội tập luyện vở “Tinh thần thể dục” được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Tạo sự khởi sắc

Là một trong những người khởi xướng và tham gia tích cực xây dựng đề án này của thành phố, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ, việc triển khai đề án tạo nên hình thức học tập mở, hấp dẫn học sinh. Nghệ thuật sân khấu với sự sinh động, truyền cảm, linh hoạt sẽ góp phần truyền đạt tới các em nội dung những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho các em. “Hoạt động này cũng nhằm xây dựng, phát triển nguồn khán giả cho sân khấu Thủ đô và phát hiện tài năng nghệ thuật sân khấu tương lai”, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu kỳ vọng.

Đồng quan điểm, Nghệ sĩ ưu tú Thu Huyền, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ: “Đề án này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong việc phát triển giáo dục và văn hóa Thủ đô. Đặc biệt, thông qua đề án, các bộ môn nghệ thuật sân khấu, trong đó có sân khấu truyền thống được giới thiệu đến khán giả trẻ, giúp các em hiểu, thấy hấp dẫn, yêu thích và có ý thức giữ gìn”. Theo Nghệ sĩ ưu tú Thu Huyền, việc đưa các tác phẩm văn học trong chương trình giáo dục phổ thông lên sân khấu tạo nhiều cảm hứng cho nghệ sĩ sáng tạo bởi vốn dĩ đó là những tác phẩm có nội dung hay, ý nghĩa, được nhiều thế hệ học sinh yêu mến. Song, với mỗi cấp học, nhà hát phải lựa chọn tác phẩm và lối diễn phù hợp.

Vào vai Chí Phèo trong vở “Cánh diều làng Vũ Đại”, nghệ sĩ Quốc Phòng (Nhà hát Chèo Hà Nội) bày tỏ: “Vở diễn đã chọn được những lát cắt hay, lời thoại dí dỏm và những bài hát rất tình khiến nghệ sĩ hào hứng và thăng hoa trong diễn xuất”. Thưởng thức vở diễn “Dế Mèn” của Sân khấu Lệ Ngọc thông qua chương trình ngoại khóa của nhà trường, em Nguyễn Gia Thùy (học sinh lớp 6A5, Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng, Cầu Giấy) chia sẻ: “Sân khấu giúp em hình dung rõ hơn về từng nhân vật, được hòa vào thế giới loài vật đầy màu sắc. Em rất háo hức được xem thêm nhiều tác phẩm chuyển thể từ sách giáo khoa lên sân khấu như thế”.

Theo đề án, các đơn vị nghệ thuật sẽ phục dựng và dàn dựng 51 vở diễn trong 70 tác phẩm văn học đặc sắc trong chương trình giáo dục phổ thông, tổ chức 1.800 đến 2.000 buổi diễn cho các trường học. Sự sẵn sàng, hào hứng thực hiện của các đơn vị nghệ thuật và trường học hứa hẹn tạo sự khởi sắc cho đời sống nghệ thuật Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa văn học nhà trường lên sân khấu: Sức sống mới cho sáng tạo nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.